Cần có luật sư bảo vệ pháp lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo giới về vấn đề môi giới BĐS, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm nhận định: Những năm gần đây, vai trò và tầm ảnh hưởng của môi giới ngày càng thể hiện rõ nét trong hoạt động kinh doanh BĐS.

Cần có luật sư bảo vệ pháp lý - Ảnh 1Họ không chỉ là chất xúc tác, đưa các giao dịch thành công, mà còn thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS. Tuy nhiên, bên cạnh những mặc tích cực, hoạt động môi giới cũng đã bộc lộ những điểm tiêu cực. Thực tế phần đông những người làm nghề môi giới chưa có đạo đức nghề nghiệp, đưa thông tin sai cho khách khiến thị trường trở nên méo mó. Cho nên ở nhiều cuộc họp, tôi vẫn gọi đây là “cò đất” là lẽ vì thế.

Hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp không chỉ quyền lợi cá nhân khách hàng mà còn là cả chủ đầu tư. Ở các nước đã phát triển, người môi giới không ăn “hai mang” mà thu nhập trên tỷ lệ phần trăm số giao dịch thực hiện được. Còn ở nước mình thì môi giới diễn ra phổ biến nhưng buông lỏng, dẫn đến khi thị trường BĐS nóng chỗ nào cũng có “cò đất”. Một khi thị trưòng phát triển một cách tự phát, tình trạng “cò đất” tự đẩy giá dự án lên quá cao khiến người mua nhà không thể biết được giá đó là “ thực” hay là “ảo”. Người dân dựa vào môi giới, các DN BĐS cũng thế nhưng không phải tất cả dựa vào môi giới đều thành công, có những trường hợp “mất trắng” nhưng không được pháp luật bảo vệ. Cho nên, việc thắt chặt quản lý đối với tổ chức, cá nhân tham gia làm môi giới BĐS là rất cần thiết. Nếu môi giới chuyên nghiệp hành nghề tốt, tạo được uy tín thì dần dần hết đất cho “cò” phát triển. Riêng về phía khách hàng, theo tôi nên mời luật sư để tìm hiểu dự án. Dù phải mất phí nhưng chẳng thấm là bao so với chi phí khách hàng bỏ ra để sở hữu một căn nhà.