Trong đó, quy hoạch xây dựng vùng huyện là một trong những phương án quy hoạch để tích hợp, tuy nhiên công tác này đang chậm tiến độ rất cần các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.
14/14 nhiệm vụ đã được phê duyệt
Ngày 14/5/2021, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 1452/UBND-ĐT về việc triển khai Quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn TP, gồm 14 huyện: Gia Lâm, Ba Vì, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Đan Phượng. Quy hoạch xây dựng vùng huyện là việc tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính một huyện trong tỉnh, TP phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở QH - KT Hà Nội) Lã Hồng Sơn cho hay, đến nay, 14/14 nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện đều đã được UBND TP phê duyệt. Để đáp ứng tiến độ đề ra, chính quyền các địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể việc tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện (tương ứng với các quy trình, quy định của pháp luật hiện hành).
Theo Luật Quy hoạch năm 2017, Quy hoạch xây dựng vùng huyện là một trong những phương án quy hoạch để tích hợp lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là cơ sở để lập Quy hoạch nông thôn và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật huyện.
Hiện nay, các huyện trên địa bàn TP đang triển khai quy hoạch vùng huyện và theo quy định của pháp luật, thời gian hoàn thành lập Quy hoạch vùng huyện là 12 tháng.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời gian là rất gấp, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2023 nên việc lập Quy hoạch vùng huyện cần được đẩy nhanh tiến độ nên rút ngắn thời gian để đáp ứng kịp tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội (đơn vị tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô), về nội dung công tác lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện cần chú ý đánh giá cụ thể thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của huyện; chú trọng nội dung đánh giá hiện trạng phát triển của các ngành nghề, xác định rõ cơ cấu kinh tế theo ngành và theo thành phần, tiểu vùng kinh tế, các sản phẩm kinh tế tiêu biểu của địa phương gắn với phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái dựa trên những di tích lịch sử - văn hóa; cần dự báo quy mô dân số, đất đai, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật...
Đề xuất các phương án quy hoạch đảm bảo tính khả thi, phát huy tối đa động lực để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, góp phần đạt được mục tiêu chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Quy hoạch xây dựng vùng huyện sẽ là tài liệu quan trọng trong việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khẩn trương lập quy hoạch
Là địa phương đang tích cực tập trung thực hiện các quy hoạch trên địa bàn, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh Quách Sĩ Dũng cho biết, ngay sau khi TP phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (ngày 30/1/2023), huyện đã bắt tay vào mời thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đồ án Quy hoạch vùng huyện Mê Linh.
Hiện nay, đã lựa chọn đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội.
Theo ông Quách Sĩ Dũng, đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò quan trọng quyết định đến sự phát triển của huyện không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo.
Do đó, huyện sẽ rà soát lại toàn bộ tổng thể các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch chung huyện; Quy hoạch phát triển đô thị; Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Quy hoạch khu công nghiệp, rà soát các quy hoạch phân Khu N1, N2, N3, GN, GN… để cập nhật vào Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo khi triển khai phải điều chỉnh quy hoạch.
Đồng thời, việc lập quy hoạch đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thống nhất với hệ thống quy hoạch của TP Hà Nội; định hướng phát triển huyện Mê Linh theo hướng đô thị xanh, thông minh và bền vững; phát triển không gian đô thị tập trung, bố trí hợp lý diện tích đô thị - công nghiệp - dịch vụ, du lịch.
“Quá trình lập quy hoạch, huyện sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ và Nhân dân địa phương, đảm bảo quy hoạch có tính khả thi, sát thực tế, là "chìa khóa" thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững” – ông Quách Sĩ Dũng cho hay.
Đối với huyện Thanh Oai nằm ở cửa ngõ phía Tây TP Hà Nội có phần lớn diện tích đất nông nghiệp, theo nhiệm vụ Quy hoạch vùng huyện vừa được TP phê duyệt thì đây là vùng nông nghiệp sinh thái năng suất cao, có vị trí đầu mối giao thương cửa ngõ phía Tây Nam TP; là địa bàn cung cấp những sản phẩm nông nghiệp cho đô thị trung tâm, các khu công nghiệp kế cận và cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, dịch vụ của TP. Bên cạnh đó, đây còn là khu vực phát triển du lịch sinh thái, bền vững gắn với bảo tồn cấu trúc không gian tự nhiên, gắn với không gian hai bên bờ sông Đáy.
Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai Đỗ Quang Huy thông tin, sau khi nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai được TP phê duyệt (ngày 7/2/2023), UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban khẩn trương triển khai những bước tiếp theo. Hiện nay, huyện đang chuẩn bị các bước để đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
Quá trình triển khai, huyện yêu cầu đơn vị chuyên môn tuân thủ trình tự thủ tục theo đúng quy định. Những khó khăn, vướng mắc cần báo cáo Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo tháo gỡ kịp thời nhằm hoàn thành đồ án Quy hoạch vùng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian sớm nhất.
Trước mắt, các địa phương cần đẩy nhanh triển khai công tác chuẩn bị, lựa chọn đơn vị tư vấn lập những đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện theo quy định. Trong quá trình thực hiện, để đảm bảo tiến độ lập quy hoạch và chất lượng đồ án cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu UBND cấp huyện.
Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh
và nông thôn (Sở QH - KT Hà Nội) Lã Hồng Sơn