Cần đa dạng các biện pháp xử lý rác thải

Vân Nhi - Dương Thùy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đó là khẳng định của nhiều đại biểu đưa ra tại Toạ đàm trực tuyến “Thực hiện nghị quyết của Quốc hội trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 9/3.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tại buổi toạ đàm, đại diện Bộ TN&MT cho biết, theo ước tính, hiện trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 - 16%/năm. Riêng các TP lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn rác thải.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cần triển khai áp dụng những mô hình, biện pháp xử lý rác thải rắn theo hướng hiện đại, hướng đến mục tiêu biến rác thành tài nguyên.

Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, đặc thù rác thải sinh hoạt ở nước ta là không phân loại, độ ẩm rác rất cao, thường ở mức 65-70%. Đây là nguyên nhân gây ra nhiệt trị rất thấp khi đốt rác. Vì những đặc điểm này, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng: "Chúng ta phải tìm những công nghệ phù hợp để xử lý, không phải chỉ vì nhiệt trị thấp mà không đốt rác phát điện."

Theo ông Nguyễn Quang Huân, Điều 75 và 76 trong Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ việc phân loại, lưu giữ, tập kết, chuyển giao rác thải sinh hoạt nhưng để thực hiện tốt, cần có một thời gian để thay đổi ý thức của người dân. Trong khi đó, lượng rác thải vẫn phát sinh, ngày càng tăng nhiều hơn. Khi đời sống người dân tăng lên, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình 1 kg rác sinh hoạt/người/ngày hoặc thậm chí hơn. Nhưng các vùng nông thôn thì chỉ 0,4-0,5 kg/người/ngày. Thậm chí, theo thống kê của Bộ TN&MT, có địa phương chỉ 0,2 kg/người/ngày. "Vì vậy, tùy vào lượng rác mà chúng ta nên đưa công nghệ phù hợp chứ không nhất thiết phải dùng những công nghệ đắt tiền hoặc lúc nào cũng phải đốt rác." - Ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, nhiều đại biểu khẳng định, trong hoàn cảnh những bãi chôn lấp rác ngày càng quá tải, lạc hậu, phát sinh nhiều hệ luỵ đối với môi trường, cuộc sống của người dân… các địa phương cần căn cứ theo điều kiện thực tế, vùng miền, nhu cầu đối với nguồn tài nguyên có được sau quá trình xử lý rác thải để rác thải thực sự là tài nguyên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần