Cần đầu tư xứng tầm để có chiến lược phát triển văn hóa bền vững

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/6, Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Hội nghị trực tuyến diễn ra tại 12 điểm cầu trên cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.

Công nghiệp văn hoá phấn đấu đóng góp 7% GDP

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ VHTT&DL đã tập trung xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông trình bày tóm tắt dự thảo chiếc lược, trong đó nhấn mạnh: Chiến lược văn hoá hướng tới mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh An.
Trong chiến lược này, Bộ VHTT&DL đưa ra 10 mục tiêu phát triển văn hoá, nổi bật là: 100% các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; 95% - 100% di tích quốc gia đặc biệt và 65%-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo, 65 - 70% số di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị; Doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Để triển khai hiệu quả mục tiêu, chiến lược đề xuất hệ thống 12 nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó có, mục tiêu tài chính tăng mức đầu tư cho văn hóa lên 2% tổng chi ngân sách hàng năm; Xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, các loại phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa. Một trong những nhiệm vụ trong tâm khác là phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh; Khuyến khích các cá nhân và DN đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tăng khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đã trình bày tham luận về công tác quản lý Nhà nước về văn hóa. Theo đó, cụ thể hóa đường lối phát triển văn hóa của Đảng, TP Hà Nội đã xây dựng, ban hành những văn bản quan trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với phát triển sự nghiệp văn hóa Thủ đô như Nghị quyết Đảng bộ TP lần thứ XVII ban hành Chương trình 06 của Thành ủy ngày 17/3/2021 về phát triển nâng cao nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn năm 2021 - 2025; Xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 Hội nghị lắng nghe các góp ý của TP Hà Nội. Ảnh: Minh An.

Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp 2015-2020 công tác quản lý Nhà nước về văn hóa đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các chỉ tiêu về văn hóa đều hoàn thành, nhận thức về văn hóa ngày càng sâu sắc, sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa đã phát huy hiệu quả tích cực; hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có nhiều nét khởi sắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong lĩnh vực văn hóa vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho hay: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng, đầu tư văn hóa chưa đúng mức, vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn lớn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lung túng trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước”.

Vì vậy, để đạt được các mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2030, TP Hà Nội đề xuất 6 nội dung, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa gồm:

Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm văn hóa từ T.Ư đến cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, từ cán bộ tham mưu, hoạch định chính sách đến đội ngũ trực tiếp làm công tác văn hóa tại cơ sở để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa thực sự đi vào thực tiễn, đến với mọi người dân. Hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ quản lý văn hóa các cấp, có chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận có trình độ chuyên môn cao, am hiểu văn hóa, biết áp dụng khoa học công nghệ đối với các hoạt động văn hóa.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa; tiếp tục hoàn thiện cơ chế cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý văn hóa theo hướng tinh giảm, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tạo cơ chế thu hút nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, DN, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển văn hóa. Ban hành chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo với văn nghệ sĩ, DN khởi nghiệm trong lĩnh vực văn hóa

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể, Nhân dân Thủ đô về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đầu tư phù hợp với vai trò, vị trí của văn hóa. Quan tâm về nguồn lực đầu tư, phát triển sự nghiệp văn hóa tương xứng. Tại TP Hà Nội quỹ đầu tư, phát triển văn hóa nhiệm kỳ 2015-2020 30% so với nhiệm kỳ 2010 – 2015. Trong Nghị quyết đại hội Đảng ủy TP Hà Nội lần thứ XVII đã xác định dành nguồn lực chính đáng đầu tư phát triển văn hóa. Trong 2021, xây mới trên 230 nhà văn hóa đảm bảo 100% thôn bản đều có nhà văn hóa. Tập trung đầu tư, phát triển các công trình văn hóa có tác động hiệu quả đến phát triển kinh tế, đặc biệt với ngành văn hóa, du lịch.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ sản phẩm văn hóa; nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa.

Phối hợp chặt chẽ ngành văn hóa với các ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của đội ngũ quản lý, của thanh tra công tác tại các cơ quan văn hóa về pháp luật (Luật SHTT và luật liên quan), xây dựng hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê về cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp văn hóa.

Mở rộng quan hệ, giao lưu hợp tác văn hóa với các nước, quốc tế tiếp thu có chọn lọc tinh hóa văn hóa các nước, bồi đắp cho nền văn hóa Việt Nam. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, đăng cai các sự kiện văn hóa ở các tỉnh, TP trong nước, trở thành các hoạt động thường niên, có uy tín trong khu vực. Ví dụ, Hà Nội đã tổ chức Lê hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon Music Festival), Lễ hội hoa anh đào hay TP Hồ Chí Minh có đường hoa Nguyễn Huệ; TP Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa quốc tế.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở VHTT&DL tại các điểm cầu cũng đã đóng góp các ý kiến vào dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo chiến lược này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần