Cần "điểm trúng huyệt" những chiêu trò chuyển giá

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Nghị định 20 năm 2017 được cho là đã “điểm trúng huyệt” nhiều doanh nghiệp FDI thua lỗ triền miên hàng chục năm nhưng luôn đầu tư mở rộng sản xuất, nhưng khung pháp lý về vấn đề này cần tiếp tục hoàn thiện.

Mới đây, dư luận quan tâm việc hệ thống Lotte Mart (thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam) suốt 10 năm kinh doanh tại Việt Nam chưa năm nào báo lãi, tổng số lỗ lên tới gần 2.000 tỷ đồng trong khi công ty mẹ là Lotte Shopping (Hàn Quốc) vẫn liên tục cho mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Vụ việc được nhiều chuyên gia đặt nghi vấn.
Dấu hiệu nào nhận biết chuyển giá?
Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, một số dấu hiệu để đưa doanh nghiệp vào diện nghi vấn là tỷ suất lợi nhuận (đối với những doanh nghiệp có lãi) trên doanh thu không đáng kể; tỷ lệ đóng góp vào ngân sách quốc gia thấp, không tương xứng với tỷ trọng tổng đầu tư xã hội hàng năm.
 Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.
Các doanh nghiệp này thường xuyên báo cáo lỗ trong nhiều năm, doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ những nghi vấn này, thanh tra chuyển giá cơ của quan thuế sẽ rà soát và tiến hành thanh tra, làm rõ các khoản lỗ này là lỗ thật hay lỗ do chuyển giá để trốn thuế.
Năm 2014, ngành thuế cả nước đã tiến hành thanh kiểm tra ở 2.077 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, kết quả đã giảm lỗ hơn 5.400 tỉ đồng. Năm 2015, kiểm tra 4.751 doanh nghiệp và đã giảm lỗ hơn 10.000 tỉ đồng. Riêng vụ Metro Cash và Carry chuyển giá sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam, ngành thuế đã truy thu hơn 507 tỉ đồng. Năm 2016 ngành thuế đã thanh tra chống chuyển giá tại 329 doanh nghiệp, truy thu, truy hoàn và phạt 607,52 tỷ đồng, giảm lỗ 5.162,21 tỷ đồng.
Ông Ngô Trí Long nhận định: “Đối với nước ta chuyển giá là vấn đề không mới nhưng có dấu hiệu ngày càng gia tăng và đang gây ra nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý”.
Vạch mặt những “chiêu trò”
Vị chuyên gia đánh giá các thủ thuật chuyển giá ngày càng đa dạng, tinh vi. Phổ biến việc các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn đa quốc gia thường khai thuế kiểu “hạch toán toàn ngành” tại nơi nào có mức thuế thấp nhất trong số các địa phuơng có trụ sở, chi nhánh hoặc nơi bán hàng của công ty để hưởng lợi nhờ chênh lệch thuế.
Để khiến thu nhập chịu thuế giảm, nhiều doanh nghiệp FDI tìm cách nâng giá trị tài sản cố định, chi phí khấu hao, hoặc nâng giá trị chuyển giao tài sản vô hình như công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý điều hành và các dịch vụ khác trong góp vốn đầu tư.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn dùng “chiêu” nâng cao các khoản chi phí như giá nguyên vật liệu, chi phí lãi vay, chi phí nhân công, bán hàng hoặc hạ giá bán sản phẩm đầu ra (thậm chí với giá thấp hơn giá thành sản xuất) cho một công ty liên kết trong nội bộ của tập đoàn hoặc giữa hai công ty độc lập về hình thức pháp lý, nhưng vẫn hạch toán nội bộ chung.
Đối với Việt Nam do chính sách thuế còn nhiều hạn chế và hay thay đổi, cộng thêm việc phụ thuộc vào nguồn hàng hóa, dịch vụ và công nghệ nhập và việc mở rộng cho phép doanh nghiệp tự khai, nộp thuế cũng tạo mảnh đất “mầu mỡ” cho chuyển giá.
“Hệ lụy của chuyển giá rất nặng nề bởi chuyển giá vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp khiến thuế phải nộp ít đi, đồng nghĩa với NSNN thất thu” – Ông Ngô Trí Long khẳng định. Không chỉ có vậy, doanh nghiệp chuyển giá sẽ có thêm nguồn lực tài chính, tăng lợi thế cạnh tranh trên thường trường, thì các doanh nghiệp khác lại không khỏi cảm thấy “thua thiệt, thiếu công bằng” khi phải nghiêm chỉnh nộp thuế. Tất cả tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tác động không tốt đến môi trường đầu tư.
Cần có giải pháp đồng bộ
PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng dù có nhiều nỗ lực nhưng việc chống chuyển giá vẫn là một khâu yếu của ngành thuế. Dù mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhưng khung pháp lý về vấn đề này vẫn còn không ít bất cập. Hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Mặc dù, Nghị định 20 được cho là đã “điểm trúng huyệt” nhiều doanh nghiệp FDI thua lỗ triền miên hàng chục năm nhưng luôn đầu tư mở rộng sản xuất mà còn hướng đến quản lý thuế hiệu quả hơn trên diện rộng.
“Muốn chống được chuyển giá thì phải tìm ra bằng chứng cụ thể mới truy thu được”, ông Long khẳng định. Để làm điều này đòi hỏi phải tiếp cận được với những số liệu mà công ty mẹ báo cáo với nước chủ nhà và lấy đó phân tích, đối chiếu với những số liệu của chi nhánh hoạt động ở Việt Nam để phát hiện ra những lỗ hổng. Nhưng khó ở chỗ là không có cơ quan nào để cung cấp những thông tin đó vì thông thường cơ quan thuế các nước cũng phải bảo vệ doanh nghiệp của họ.
Để đối phó với “vấn nạn” chuyển giá, PGS. TS Ngô Trí Long đề xuất, trước mắt Việt Nam cần hoàn thiện hành trang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành luật về chống chuyển giá. Cần thu hẹp các ưu đãi về thuế, cụ thể là hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế.
Tập trung thanh, kiểm tra giá chuyển nhượng đối với các tập đoàn có nhiều doanh nghiệp thành viên, các doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm chưa được thanh tra kiểm tra. Đặc biệt, cần lưu ý các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế.
Vị chuyên gia khẳng định muốn chống chuyển giá hiệu quả, cơ quan thuế phải chủ động khai thác nhiều nguồn thông tin khác nhau; xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, ngành hàng đầy đủ, kịp thời, đồng bộ. Để xử lý được một vụ chuyển giá thì ngay cả các nước tiên tiến với công nghệ quản lý thuế hiện đại, có rất nhiều thông tin để phân tích, so sánh cũng phải mất từ 1 - 2 năm.
Bên cạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ chống chuyển giá, cần coi trọng và mạnh dạn đầu tư lớn để xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh, chuyên nghiệp và chuyên trách thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chống chuyển giá.
Trong ngắn hạn, việc chống chuyển giá có thể tác động đến khả năng thu hút đầu tư nước vào Việt Nam theo hướng giảm số lượng dự án và vốn đầu tư, song về dài hạn sẽ nâng cao chất lượng thu hút FDI, thu hút được các nhà đầu tư có uy tín.
Tại một hội thảo vừa diễn ra ở Hà Nội về vấn đề công bằng thuế, tổ chức Oxfam có lưu ý, các nước phát triển (trong đó có Việt Nam) bị thất thu 100 tỷ USD mỗi năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Còn theo kết quả khảo sát gần đây của công ty Kiểm toán quốc tế KPMG, hơn 50% doanh nghiệp đã chuẩn bị xây dựng các bước trên dự thảo báo cáo chống sụt giảm thu nhập chịu thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS). Trong đó, 80% doanh nghiệp ưu tiên xác định giá chuyển nhượng khi dành ít nhất 2 giờ/tuần.