Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần điều tra thủ đoạn “đánh chìm” cổ phiếu FTM để trục lợi?

Trung Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 10 công ty chứng khoán đang “cầu cứu” Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, về chuyện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (MCK: FTM-HOSE) có dấu hiệu bất thường trong giao dịch cổ phiếu. FTM hiện đã mất 81% giá trị vốn hóa và gây thiệt hại cho các công ty này số tiền khoảng 200 tỷ đồng…

FTM sập sàn, các công ty chứng khoán “vỡ mặt”
Thống kê giao dịch cho thấy, FTM phải chịu nhuộm “sắc đỏ” suốt 29 phiên liên tục, trong đó có 23 phiên giảm sàn, giá còn 3.980 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, FTM dù hoạt động kinh doanh có khó khăn nhưng không có dấu hiệu của sự đổ vỡ. Nhưng cổ phiếu FTM đã mất điểm kéo dài liên tục gần 30 phiên giao dịch đã cho thấy có điều bất thường và chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Theo các công ty chứng khoán được cho là nạn nhân của “tổ lái”, FTM có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu này, thông qua gần 10 tài khoản, được mở tại 13 công ty chứng khoán. Phần lớn các tài khoản thực hiện đăng nhập và đặt lệnh thông qua các địa chỉ IP giống nhau.
 Cần điều tra thủ đoạn ''đánh chìm'' cổ phiếu FTM để trục lợi?
Thủ đoạn giao dịch được xác định là do nhóm cổ đông lớn tại FTM đã tận dụng chính sách vay giao dịch ký quỹ (margin) của công ty chứng khoán để cầm cố cổ phiếu FTM giai đoạn giá cao, sau đó giá cổ phiếu sụt giảm, mất thanh khoản, khiến các công ty chứng khoán thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng và ôm mớ tài sản thế chấp đang mất dần giá trị.
Được biết, một số cá nhân mở tài khoản và margin thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị FTM (đến tháng 4/2019, ông Thường từ nhiệm vị trí Chủ tịch). Chủ tịch Hội đồng quản trị của FTM hiện tại là ông Nguyễn Hoàng Giang, là người đứng tên hộ tài khoản cho ông Thường cũng vừa có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch từ ngày 16/9/2019.
Từ cuối năm 2018, ông Giang không nắm giữ cổ phiếu FTM nào, sau khi đã bán 30.000 cổ phiếu vào ngày 1/8/2018. Ông Giang có tham gia làm việc với các công ty chứng khoán nêu trên và ngày 11/9/2019, FTM phát đi thông báo về việc cổ phiếu FTM liên tục giảm giá sàn, trong đó có nói đến những tin đồn thất thiệt…
Tổng thiệt hại ước tính của các công ty chứng khoán khoảng 200 tỷ đồng khi cổ phiếu FTM giảm giá và mất thanh khoản. Giá cho vay margin FTM trung bình là 7.000 - 9.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp thấp là 4.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất là 12.000 đồng/cổ phiếu. Ðại diện các công ty chứng khoán đã yêu cầu làm việc với ông Thường và ông Giang, đề nghị có phương án trả nợ trước ngày 6/9/2019 nhưng không có kết quả.
Lộ rõ dấu hiệu thao túng cổ phiếu
FTM niêm yết ngày 6/2/2017, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 16.000 đồng/cổ phiếu và không có quá nhiều biến động trong gần 2 năm sau đó, tính đến cuối tháng 11/2018 (giá cao nhất đạt 19.000 đồng/cổ phiếu phiên 25/7/2018, giá thấp nhất là 11.400 đồng/cổ phiếu phiên 1/6/2017). Khối lượng giao dịch trung bình năm 2017 của FTM chưa đến 500.000 đơn vị/phiên và sang năm 2018, khi các cổ đông nội bộ (thành viên Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị, Ban điều hành) liên tục bán ra, đồng thời xuất hiện thêm các cổ đông mới mua vào thì thanh khoản FTM tăng lên, ở mức trên 800.000 đơn vị/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu FTM bắt đầu có biến động mạnh từ tháng 2 đến cuối tháng 7/2019, từ 15.000 đồng/cổ phiếu lên 23.800 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên. Ðáng chú ý, thời điểm cổ phiếu FTM tăng giá không gắn với bất kỳ thông tin tích cực nào về kết quả kinh doanh của Công ty, mà ngược lại, xuất hiện những thông tin tiêu cực tác động đến ngành sợi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo giải trình của FTM, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá sợi ổn định trong khoảng 3,02 - 3,2 USD/kg, nhưng đến quý II/2019, đơn giá bán giảm xuống 2,58 - 2,85 USD/kg. Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào là bông có giá tồn kho cao, chiếm khoảng 301 tỷ đồng...
Tính đến ngày 18/9/2019, cổ phiếu FTM có 24 phiên liên tiếp giảm giá sàn, từ 23.650 đồng/cổ phiếu xuống 3.980 đồng/cổ phiếu, lượng dư bán giá sàn trong phiên này là hơn 6 triệu đơn vị. Tình hình kinh doanh của FTM gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua và có kết quả lợi nhuận âm trong hai quý đầu năm 2019: doanh thu đạt 459 tỷ đồng, giảm gần 24% so với cùng kỳ và lợi nhuận âm 31 tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn 2016 - 2018, FTM đưa chiến lược phát triển và đầu tư tập trung vào thị trường xuất khẩu với sản lượng xuất khẩu tối thiểu là 75% và tối đa là 85%, đồng thời với việc chuyên biệt hóa sản phẩm cho các thị trường tại từng nhà máy. Về mạng lưới bán hàng, Công ty sẽ mở thêm văn phòng đại diện tại Trung Quốc để mở rộng thị trường nội địa Trung Quốc sang một số tỉnh như Vũ Hán, Trịnh Châu... từng bước tiếp cận thị trường Philipin, Hàn Quốc, Sri Lanka và Malaysia.
Về hoạt động đầu tư, Công ty dự kiến đầu năm 2017 sẽ đầu tư mới một dây chuyền sản xuất mới hoặc mua lại dây chuyền sản xuất của một đối tác tại TP Hồ Chí Minh để đặt tại nhà máy 1 của Công ty, nhằm tận dụng được nhà xưởng chưa sử dụng hết của DN.
Những tưởng chiếc “bánh vẽ” chiến lược phát triển và đầu tư của FTM sẽ phát huy tác dụng và hút nhà đầu tư trên TTCK nhưng không ngờ FTM lại rơi vào cảnh vô cùng bi đát như hiện nay. Cổ phiếu FTM đã mất điểm liên tục trong 29 phiên giao dịch và chết thanh khoản, vì bị thao túng trong thời gian dài?
Vì vậy, cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ các sai phạm, để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư, cùng các bên liên quan và tính minh bạch của TTCK!