Sau một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức (24/11/2021) với thông điệp chấn hưng văn hóa dân tộc làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Ngọc Vương đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội về những câu chuyện văn hóa nước nhà, xưa và nay.
Cần cuộc đại chấn hưng văn hóa quốc gia - dân tộc
Theo dòng lịch sử Việt Nam thì tiến trình văn hóa của chúng ta đã có nhiều lúc thăng hoa, phát triển nhưng nhiều lúc cũng bị nghẽn lại vì các lý do khác nhau và buộc phải khơi thông để phát triển. Việc khơi thông đó vẫn thường gọi là chấn hưng văn hóa. Tôi nghĩ vậy. Còn theo ông, nên hiểu chấn hưng văn hóa như thế nào cho chính xác?
- Có nhiều điểm nhìn, nhiều hệ tiêu chí khác nhau để nhìn một bức tranh toàn cảnh đối với tiến trình văn hóa Việt Nam, và từ những điểm nhìn, hệ tiêu chí đo lường khác nhau ấy lại có thể quan sát thấy những gam màu khác nhau qua từng chặng lớn của tiến trình đó.
Cần nhìn cho rõ hơn cái sự “tắc, thông" ấy trong điều kiện “ trời quang mây tạnh” một chút. Ý tôi là tầm quan sát ít vướng vào chướng ngại: Tư liệu văn hóa tương đối đầy đủ, nhãn trường không bị những đám “sương mù quá khứ“ che lấp đi quá nhiều, bỏ bớt đi những cặp “kính áp tròng” nhân tạo...
Nếu tính từ thời Lý, tôi xin nói ngay rằng trong hơn hai thế kỷ đầu tiên, dòng chảy về cơ bản là “êm đềm”. Rồi tuy có biến cố “đảo chính cung đình” làm thay đổi triều đại, nhưng trong hơn một thế kỷ đầu của triều đại mới ấy, dòng chảy lại tiếp tục thuận lợi! Vầng hào quang mà nhiều người cùng quan sát thấy để định danh là “hào khí Đông A” không phải chỉ để nói về sự hưng vượng của riêng triều đại họ Trần, cũng không chỉ nói về hào quang chiến trận!
Thông thường, các cuộc chiến lớn, rất lớn làm “di dời” các cột mốc của lịch sử nhân loại. Nhưng tôi không thấy đối với lịch sử Việt Nam nói chung, đối với lịch sử văn hóa Việt Nam nói riêng, sau ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, có sự thay đổi, đột biến đáng kể! Thậm chí, có thể nói sau đó, tình hình lại dường như “ngày một xấu đi”.
Nhưng câu hỏi cần được đặt ra ở đây là: Tại sao lại thế?
- Các cuộc chiến tranh hầu như đều để lại, đối với mọi phía tham chiến, những hậu quả tiêu cực nặng nề. Đối với một xã hội nông nghiệp còn phụ thuộc chặt vào điều kiện tự nhiên, vào thời tiết và mùa vụ, sao có thể chờ đợi một sự hưng vượng thần kỳ nhờ vào việc đã chiến thắng trong chiến tranh ngay được!
Sau những cuộc chiến lớn, là khủng hoảng xã hội, là sự suy kiệt của những nguồn năng lượng xã hội, và lần lượt, những “tiêu cực xã hội” lại rộ lên! Các xã hội hậu chiến thường phải gồng mình lên để tìm kiếm những nguồn lực mới, năng lượng mới, và trong khi sự tìm kiếm ấy chưa thành, thì thường lại diễn ra khủng hoảng xã hội, khủng hoảng văn hóa...
Thời Vãn Trần tạo ra một thực trạng “xuống dốc không phanh”, một cuộc đại khủng hoảng, sự “bế tắc toàn tập” của đường hướng phát triển trong xã hội Việt Nam! Đây sẽ là cuộc khủng hoảng lớn nhất của văn hóa Việt Nam, cho đến tận khi xảy ra “tuồng thiên diễn” mới, lúc có sự tiếp xúc rồi đến xung đột văn hóa, rồi lần đến giải pháp “giao thoa" của hai truyền thống văn hóa lớn Đông - Tây trên đất Việt Nam.
Và nhìn vào bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ là chúng ta đang cần tới một cuộc đại chấn hưng văn hóa của quốc gia - dân tộc !
Trong lịch sử, người Việt đã chống “nghẽn văn hóa” như thế nào?
- Con người trong đời sống cộng đồng nói chung, thường rất khó nhận ra là đang lâm vào “điểm nghẽn văn hóa”. Nhưng trực giác của đời sống lại khiến người trong cuộc của một nền văn hóa cụ thể cảm nhận rõ về trạng thái “nghẽn” đó. Về nguyên tắc, điểm nghẽn văn hóa chỉ xuất hiện khi xảy ra hiện tượng những dòng chảy văn hóa lạ, có lai nguyên khác nhau, “ập” vào nhau.
Tôi cho rằng “kinh nghiệm” hay “truyền thống” của cộng đồng người Việt trong việc nhận ra, và vì thế, chống “nghẽn văn hóa” không thật rõ ràng cho lắm. Vì thế, ở tầm quản trị quốc gia, quản trị cộng đồng, những người hay nhóm người chịu “trách nhiệm lịch sử” trước sự bế tắc, lại thường hành xử một cách lúng túng, bế tắc, nên họ lại thường không có giải pháp gì rõ ràng, mạch lạc, mà thường đến đâu hay đến đó, hoặc thi thoảng đề ra những giải pháp mang tính cực đoan, “giật cục” nên không tránh khỏi những phản ứng của cộng đồng.
Có một vài điểm sáng hay rất sáng trong cuộc “chống tắc nghẽn văn hóa” mà tôi thiết tưởng cần ghi nhận nổi bật. Đó là “những giải pháp chống ách tắc” của Trần Nhân Tông cùng những triều thần xuất chúng của ông; hoạt động kiến tạo văn hóa và thâu thái văn hóa của Nguyễn Trãi; tính toàn diện mạnh mẽ và quyết đoán trong các giải pháp của Lê Thánh Tông; những giải pháp điều hòa tránh xung đột lớn thời nhà Mạc và Nguyễn Bỉnh Khiêm; và thời hiện đại là ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh...
Trách nhiệm của trí thức
Theo tôi, văn hóa Việt Nam, ít nhất là từ đầu Công nguyên đến nay, có khả năng thích ứng, hòa hợp, hòa giải rất tốt. Chìa khóa để thực hiện sự hòa hợp đó? Ai, cộng đồng nào, lực lượng nào nắm giữ chìa khóa đó?
- Không hoàn toàn như anh nghĩ! Tôi cho rằng trong bề sâu, văn hóa Việt Nam không phải đã hòa hợp hoàn toàn, cả từ trong các thành tố của bản thân cộng đồng lớn với giữa các thành viên (các cộng đồng văn hóa tộc người) lẫn cộng đồng Việt với các nền văn hóa ngoại nhập. Với tư cách là một quốc gia đa tộc người, nền văn hóa Việt Nam đang rất cần những sự cộng thông, cộng hưởng và những kiến tạo văn hóa mới và mới nữa!
Đó là một công việc khổng lồ, đòi hỏi một thái độ nghiêm túc, khách quan, tinh tế, với những trực giác văn hóa nhạy cảm nhưng cởi mở. Nó cũng đòi hỏi sự trưởng thành trước hết của những nhà nghiên cứu văn hóa thực sự đại diện và có tầm cỡ.
Với các quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ đang diễn ra mấy thập niên vừa qua, trong thực tế tỷ trọng văn hóa mang bản sắc Việt đang bị thu hẹp lại, hay nói khác đi, phần văn hóa Việt đang “thua và tự thua ngay trên sân nhà của mình”. Thật khó chỉ ra những thành tựu văn hóa nào do người Việt tạo dựng nên ghi được những dấu son trong chính công chúng văn hóa của mình!
Trở lại câu hỏi, tôi nói luôn, trí thức là người cầm chìa khóa và mở khóa.
Ông có liên hệ gì về trách nhiệm của trí thức đối với sự sa sút về văn hóa, nói cách khác là “điểm nghẽn văn hóa” hiện nay?
- Sáng tạo văn hóa được tạo ra, trong tính toàn thể, và được gìn giữ chủ yếu là ở cấp độ cộng đồng, nhưng “những cá thể vượt trội trong cộng đồng lại có tỷ trọng cống hiến văn hóa nhiều hơn là những “đám đông vô danh” khác. Đó là một điều tự nhiên!
Trí thức là tầng lớp xã hội đặc biệt, ra đời từ rất sớm, ngay từ đầu đã gắn bó với giai cấp thống trị, nhưng lại luôn luôn tự “giữ khoảng cách” hay bị giữ lằn ranh giới với giai cấp thống trị, cho nên hàng nghìn, mấy nghìn năm tồn tại, họ không thể tự trở thành một giai cấp xã hội được, nhưng bao giờ họ cũng là “thiểu số tinh hoa” của xã hội. Đến thời cận hiện đại, vai trò của tầng lớp đặc biệt này càng ngày càng lớn, giữ vai trò quyết định sự thịnh vượng và tiến bộ xã hội. Xã hội càng hiện đại, vai trò của trí thức càng quan trọng hơn.
Với nền văn hóa Việt Nam hiện nay, để có thể tiến tới những bước chuyển có thể gọi là thay đổi, cách mạng, thì không thể thiếu được sự gia tăng mật độ chất xám trong từng bình diện cơ bản: Gấp rút tìm kiếm và hình thành cho được một đội ngũ những người lãnh đạo và quản trị văn hóa đủ tầm vóc, một đội ngũ những người nghiên cứu chuyên sâu và thông thái về tri thức cũng như đổi mới được lý luận văn hóa, càng đông đảo hơn nữa những người sáng tạo và thực hành hoạt động văn hóa chuyên nghiệp, lành nghề. Đó cũng chính là nhu cầu xã hội cấp bách đặt ra trước cả và sau khi tiến hành những “hội nghị” cấp nọ hay cấp kia!
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có một vài điểm sáng hay rất sáng trong cuộc “chống tắc nghẽn văn hóa” mà tôi thiết tưởng cần ghi nhận nổi bật. Đó là “những giải pháp chống ách tắc” của Trần Nhân Tông cùng những triều thần xuất chúng của ông; hoạt động kiến tạo văn hóa và thâu thái văn hóa của Nguyễn Trãi; tính toàn diện mạnh mẽ và quyết đoán trong các giải pháp của Lê Thánh Tông; những giải pháp điều hòa tránh xung đột lớn thời nhà Mạc và Nguyễn Bỉnh Khiêm; và thời hiện đại là ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh...
---
"Căn bệnh kinh niên của văn hóa Việt là thiếu những sáng tạo có quy mô lớn, do thiếu những hoài bão văn hóa, thiếu sự đột phá thành đỉnh cao, tuy rất linh hoạt, thiết thực. Trong vài thập kỷ gần đây, những căn bệnh ấy lại được “khắc phục, chữa trị” theo một số định hướng lạ lùng khác, như chiếm đất rộng xây chùa to cùng “công đường” đồ sộ... nhưng thiếu đặc sắc và phong cách văn hóa, không lưu ký được dấu ấn của thời đại!" - Giáo sư Trần Ngọc Vương