Cần đồng bộ xử lý đơn thư từ cơ sở để giảm khiếu nại, tố cáo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải làm Trưởng đoàn đã làm việc với TP Hà Nội về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn từ 1/1/2015 - 31/6/2016. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tiếp đoàn.

* Khiếu nại, tố cáo tại Hà Nội chưa có chiều hướng giảm

Theo báo cáo, từ 1/1/2015 - 31/6/2016, toàn TP tiếp nhận và thụ lý 3.442 vụ khiếu nại, đã giải quyết 3.175 vụ. Trong đó, khiếu nại đúng 200 vụ, khiếu nại có đúng, có sai 263 vụ; khiếu nại sai 2.219 vụ; hòa giải thành 493 vụ... Qua thống kê cho thấy, tình hình KNTC trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua chưa có chiều hướng giảm, số vụ KNTC đông người, phức tạp có xu hướng gia tăng, chủ yếu phát sinh trong quá trình GPMB tại một số dự án phát triển giao thông, đô thị; chuyển đổi mô hình chợ; công tác dồn điền đổi thửa trong xây dựng NTM. Những địa bàn phát sinh khiếu nại tố cáo phức tạp là Hà Đông, Long Biên, Chương Mỹ, Gia Lâm. Vẫn có các đoàn KNTC đông người thường xuyên tập trung tại trụ sở UBND TP và khiếu kiện vượt cấp lên T.Ư.
Cần đồng bộ xử lý đơn thư từ cơ sở để giảm khiếu nại, tố cáo - Ảnh 1
Tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại tại Ban Tiếp dân - UBND TP Hà Nội.

Ảnh: Bảo Lâm
Phó Chánh Thanh tra TP Nguyễn An Huy cho biết, để bảo đảm công tác tiếp dân, xử lý đơn, giải quyết KNTC được thực hiện đồng bộ, thống nhất, UBND TP đã chủ động xây dựng và công bố bộ thủ tục hành chính và quy chế phối hợp giải quyết đồng bộ, thống nhất trên địa bàn. Đồng thời, nắm bắt tình hình cơ sở; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong tiếp nhận. Ngày thứ 3, tuần thứ 3 hàng tháng, lãnh đạo TP trực tiếp tiếp công dân, xem xét, kết luận cụ thể từng vụ việc.

Tuy nhiên, tại cấp cơ sở, một số vụ việc xử lý, thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực chậm. Đặc biệt, có hiện tượng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó, chưa thực sự quan tâm chỉ đạo giải quyết, nhất là đối với vụ việc khiếu nại đông người…

Qua giám sát, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương nhận định: Hà Nội đã quan tâm hơn đến công tác phối hợp tiếp công dân và giải quyết đơn thư KNTC; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho công dân. Nhưng để giải quyết các vụ KNTC hiệu quả, nhận được sự đồng thuận của người dân, cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm từ TP đến cơ sở. Theo ông Đương, TP có hàng chục vụ KNTC đơn lẻ, kéo dài nhiều năm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Song, việc nghiên cứu hồ sơ, tìm ra bản chất vụ việc và đưa ra các phương án tư vấn, giải quyết, mang lại quyền lợi chính đáng cho người dân không phải cấp cơ sở nào cũng làm được. Do đó, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, nêu đích danh những đơn vị, cá nhân thiếu năng lực, chưa làm tốt việc tiếp công dân và giải quyết KNTC và có mức kỷ luật phù hợp.

Đoàn giám sát cũng xem xét diễn biến giải quyết 14 vụ KNTC đông người nổi cộm. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng: Vận động và giải thích pháp luật, sự đồng bộ trong cách thức giải quyết, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC ngay từ cơ sở là mấu chốt để giảm tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, thậm chí là vượt cấp. Hà Nội cần chủ động nắm bắt tình hình thực tế, thường xuyên trao đổi thông tin, đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã và chưa làm được, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc giải quyết KNTC.