Sớm phê duyệt phương án dùng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn
Thông tin tới cử tri Đơn vị bầu cử số 3 về thời gian, nội dung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho biết: Dự kiến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khai mạc ngày 22/5/2023 và bế mạc ngày 23/6/2023, diễn ra theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 23/6/2023.
Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng thông tin tới cử tri kết quả trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về ý kiến, kiến nghị của cử tri tại cuộc tiếp xúc cử tri lần trước.
Tại Hội nghị, cử tri quận Thanh Xuân đã có một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng cháy chữa cháy... Cử tri Lưu Ngọc Minh (phường Nhân Chính) nêu: Năm 2022 Chính phủ đã thống nhất giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn sử dụng và triển khai ngay trong năm học 2023 - 2024. Theo cử tri: "Đây là chủ trương rất nhân văn và tiết kiệm, đặc biệt có ý nghĩa đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh ở miền núi, các vùng kinh tế khó khăn. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể chủ trương này có được phê duyệt hay không?".
Theo cử tri, thời điểm này việc chuẩn bị sắm sửa sách vở dụng cụ học tập cho năm học mới 2023 - 2024 sắp đến gần, nhiều phụ huynh đang phân vân về việc mua sách giáo khoa mới cho con em mình. Vì vậy, đề nghị cần sớm phê duyệt chủ trương và triển khai thực hiện để tránh tình trạng sử dụng lãng phí sách giáo khoa như nhiều năm qua. Đồng thời, trước khi thực hiện, các địa phương nên khảo sát, tính toán nhu cầu thực tế, sau đó mới có kế hoạch phân bổ, chi cho mua sách giáo khoa, không nên cào bằng, chia đều cho các địa phương để tránh lãng phí.
Tăng cường ngăn chặn thanh thiếu niên tiếp cận, sử dụng thuốc lá điện tử
Cử tri Phùng Lệ Thủy (phường Kim Giang) bày tỏ lo ngại khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong tuổi học đường đang tăng nhanh; thanh thiếu niên coi thuốc lá điện tử là một cách chứng tỏ độ “ngầu”, chất chơi. Đây là xu hướng đáng lo ngại vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là tổn thương phổi, các vấn đề về hô hấp, tim mạch. Đã có không ít trường hợp học sinh được đưa vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử.
Tuy nhiên thực tế chế tài quản lý thuốc lá điện tử vẫn chưa chặt, chỉ với hơn 100 nghìn đồng, học sinh có thể dễ dàng sở hữu một “phiên bản” thuốc lá điện tử với đủ hình dạng, mùi vị có thể mang vào lớp, bỏ ngay trên bàn học mà không bị phát hiện.
Trước thực trạng đó, cử tri mong muốn Quốc hội quan tâm đưa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào danh mục sản phẩm gây hại cho sức khỏe; giám sát việc thực thi đúng luật phòng chống tác hại của thuốc lá, tuân thủ và đưa vào sử dụng mọi điều khoản trong công ước phòng chống tác hại thuốc lá toàn cầu WHO-FCTC mà Việt Nam đã ký cam kết thực hiện từ 2004. Thực thi luật bảo vệ trẻ em và luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Cùng đó, tăng cường quản lý việc bán thuốc lá cho nhóm trẻ vị thành niên, cấm bán thuốc lá ở khu vực quanh trường học-đặc biệt ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng.
Đối với lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cử tri Nghiêm Xuân Công (phường Thanh Xuân Trung) nêu một số khó khăn trong quy định mới đối với doanh nghiệp và đề nghị các đại biểu Quốc hội sớm nghiên cứu, xem xét đề xuất các cấp có thẩm quyền quan tâm, tháo gỡ cho doanh nghiệp, để tiếp tục ổn định, phát triển kinh tế, nhằm đóng góp ngân sách và phát triển kinh tế cho địa phương.
Quản lý, kiểm soát thị trường với thuốc lá điện tử
Giải đáp một số ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian qua trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Thành phố đã rà soát, nghiên cứu cho thấy hiện chưa có quy định sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được nhập khẩu kinh doanh, lưu hành hợp pháp ở Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến, đề xuất của cử tri, UBND Thành phố giao Sở Y tế chủ trì cùng ngành chức năng rà soát, đánh giá thực tế, từ đó có kiến nghị Bộ Y tế, Chính phủ để sửa đổi bổ sung vào Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Liên quan đến đề xuất của cử tri về vấn đề sách giáo khoa, Thành phố tiếp thu và có kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, đề xuất Chính phủ để sớm hoàn thành nội dung này.
Về vấn đề phòng cháy, chữa cháy, UBND TP đã có văn bản tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân nhưng để giải quyết triệt để phải có giai đoạn, từng bước xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn hạn chế tối đa xảy ra các vụ hoả hoạn. Những nội dung thuộc Bộ, ngành Trung ương, Thành phố sẽ có kiến nghị để tháo gỡ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Hoạt động của Quốc hội ngày càng được cử tri quan tâm, khi Quốc hội ngày càng đổi mới một cách thiết thực, hiệu quả, nhiều kỳ họp bất thường để giải quyết những việc cấp bách, trọng yếu của đất nước. Quan trọng là hoạt động của Quốc hội lan toả đến HĐND các tỉnh, thành phố, trong đó HĐND thành phố Hà Nội đã lan toả tinh thần của Quốc hội với hoạt động ngày càng đổi mới, hiệu quả thiết thực.
Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của Thủ đô trong quý I/2023, Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, hiện Hà Nội đang tập trung vào Quy hoạch chung, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô, triển khai dự án đường Vành đai 4, các dự án hạ tầng giao thông…
Với ý kiến của cử tri về các quy định của pháp luật, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền để từng người dân hiểu, làm theo; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để triển khai. Trong đó, chú trọng tháo gỡ các vướng mắc, chẳng hạn trong công tác phòng cháy chữa cháy...
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến cử tri để tổng hợp, giải quyết theo đúng quy định.