Cần đưa trách nhiệm người làm thống kê vào Luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/6, thảo luận tại tổ về Dự án Luật thống kê (sửa đổi), các ĐB Quốc hội đều cho rằng, chất lượng thống kê, số lượng thống kê ở các lĩnh vực hiện nay còn chưa có độ tin cậy cao, nhất là còn chênh lệch số liệu thống kê giữa T.Ư và địa phương

Chiều 4/6, thảo luận tại tổ về Dự án Luật thống kê (sửa đổi), các ĐB Quốc hội đều cho rằng, chất lượng thống kê, số lượng thống kê ở các lĩnh vực hiện nay còn chưa có độ tin cậy cao, nhất là còn chênh lệch số liệu thống kê giữa T.Ư và địa phương, giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành… Luật cần phải có được những quy định điều chỉnh hợp lý nhất.

Nhiều ĐB đồng tình phạm vi điều chỉnh của Dự Luật đưa ra hai lĩnh vực thống kê Nhà nước và thống kê bên ngoài Nhà nước là phù hợp vì hiện nay lĩnh vực thống kê, sử dụng số liệu thống kê ngoài hệ thống thống kê Nhà nước rất phổ biến, nhất là trong sản xuất kinh doanh và nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng: Cần nêu rõ quan hệ giữa cơ quan thống kê Nhà nước với Bộ KH&ĐT, vì cơ quan thống kê là cơ quan độc lập, song hiện lại nằm trong Bộ KH&ĐT, khó đảm bảo tính khách quan. Mặt khác, phương pháp thống kê cũng phải có chuẩn mực chung trên toàn quốc để thông tin thống kê có độ chuẩn xác, minh bạch. Việc phân tích thông tin thống kê cũng nên bổ sung vào Dự Luật. Cùng với đó, phải ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê, lưu trữ và công bố thông tin thống kê.
4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội ngày 4/6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Có 4 Bộ trưởng được lựa chọn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 gồm: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ KH - CN và Bộ GD&ĐT. Trả lời câu hỏi về việc Thủ tướng có tham gia trả lời chất vấn không, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Tôi rất mong Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn. Các câu hỏi chất vấn Thủ tướng liên quan đến tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề Biển Đông”. (Trần Hà)

ĐB Bùi Thị An cũng cho rằng: Việc quy định thống kê ngoài Nhà nước là rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nên quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước khi thực hiện công tác thống kê, phải chịu trách nhiệm về số liệu thống kê mà mình đưa ra; làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong việc kiểm tra, công bố thông tin thống kê; rà soát quy định phù hợp với Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. ĐB cũng đề xuất nên đưa tổ chức thống kê Nhà nước về trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để thông tin thống kê đưa ra có tính khách quan hơn. Quan điểm này cũng nhận được nhiều sự đồng tình của các ĐB khác vì để cơ quan thống kê Nhà nước trực thuộc Bộ KH&ĐT là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không có tính độc lập.

ĐB Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) đề nghị nên quy định thống kê ngoài Nhà nước là hoạt động kinh doanh có điều kiện, bởi đây là loại hình dịch vụ đặc biệt mà sản phẩm của nó có thể tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính chất dẫn dắt, định hướng xã hội. Theo ĐB Chu Sơn Hà - Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội: “Thống kê phải xuất phát từ thực tiễn, từ các tỉnh, thành, bộ ngành chứ khống giống như kiểm toán, nếu có đưa về Quốc hội thì cũng vẫn phải dựa vào số liệu thống kê từ cơ sở, đó chỉ là thay đổi về hình thức. Điều quan trọng nhất là cần phải thống nhất phương pháp thống kê, đảm bảo tính trung thực của số liệu thống kê. Muốn vậy phải quy trách nhiệm rõ ràng của người làm công tác thống kê đến người đứng đầu cơ quan thống kê”.

Chiều cùng ngày, Quốc hội cũng thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật An toàn thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần