Cần đưa vào Luật “Đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số”

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/4, tại TP Cần Thơ, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ, phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh CT
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh CT

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, chính quyền các địa phương làm căn cứ xây dựng báo cáo tham gia thẩm tra Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CT
Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CT

Theo ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cần xem xét, bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mục riêng quy định về “Đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số” nhằm bảo vệ quyền lợi và chỉ rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của đồng bào dân tộc thiểu số đối với vấn đề đất đai, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, tại Điều 42 của Dự thảo, nên bổ sung quy định cho phép cộng đồng dân cư sử dụng đất, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, đề nghị bổ sung các quy định về chế tài trong Dự thảo luật nhằm tránh tình trạng thâu tóm đất đai, nhất là đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với vấn đề đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, thành phố mong muốn nhận được sự hỗ trợ về mặt kinh phí từ phía Trung ương để sử dụng đo đạc, cấp quyền sử dụng đất phần diện tích nông trường chuyển giao địa phương quản lý, trong đó đối tượng thụ hưởng có đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị, liên quan đến quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật, cần được đánh giá tính khả thi trong tổ chức thực hiện, nhất là đối với khả năng tạo quỹ đất của địa phương; nguồn vốn thực hiện; cơ chế phân cấp, phân quyền quyết định chính sách và trách nhiệm bố trí nguồn lực thực hiện của Trung ương và địa phương. Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đất đai gắn với công tác dân tộc; hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hệ thống chính sách hỗ trợ về đất đai.