70 năm giải phóng Thủ đô

Định hướng quy hoạch chung

Cần giám sát khâu thực hiện quy hoạch

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, thời gian qua công tác quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, công tác quản lý quy hoạch, thực hiện triển khai theo quy hoạch còn không ít hạn chế, dẫn đến những định hướng lớn về phát triển không gian đô thị chậm được hiện thực hóa.

Chưa phát huy cấu trúc không gian

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, tại Quyết định 1259/QĐ-TTg (QHC 1259), tổ chức không gian của Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn ngăn cách bởi hành lang xanh, nêm xanh, kết nối với nhau bằng hệ thống đường vành đai kết hợp với trục hướng tâm.

Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện QHC 1259, đối chiếu giữa định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch với kết quả thực hiện, cho thấy vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế. Nhất là trong tổ chức thực hiện quy hoạch, chưa phát huy cấu trúc không gian đã xác định. Không gian đô thị trung tâm (nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, chuỗi đô thị Bắc sông Hồng, các khu đô thị Vành đai 4) chưa đạt được các mục tiêu đề ra.

Việc di dời cơ sở công nghiệp bệnh viện, trường đại học… tại khu vực nội đô lịch sử, nội đô mở rộng để chuyển mục đích phát triển không gian công cộng, không gian xanh chưa đạt kế hoạch.

Định hướng phát triển không gian trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065
Định hướng phát triển không gian trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065

Khu vực Bắc sông Hồng và Đông Vành đai 4 chưa thu hút đầu tư, quỹ đất khai thác chưa hiệu quả để phát triển không gian đô thị hiện đại. Các đô thị vệ tinh, thị trấn, đô thị sinh thái chậm triển khai hạ tầng kết nối, thiếu cơ chế chính sách, tạo thuận lợi, thu hút DN, sáng tạo. Tại khu vực xây dựng nông thôn mới (hành lang xanh) còn tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp, bảo tồn khu cảnh quan tự nhiên và đặc thù chưa được kiểm soát chặt chẽ. Các vành đai xanh, nêm xanh chưa đúng chức năng.

Đặc biệt, QHC 1259 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Tuy vậy, sau hơn 10 năm, không gian hai bên bờ sông Hồng chưa có gì thay đổi.

Bên cạnh đó, các trục không gian đặc thù cũng chậm triển khai, chưa trở thành động lực để thu hút phát triển như trục không gian kinh tế Mỹ Đình - Hương Sơn - Ba Vì; trục không gian văn hóa truyền thống Hồ Tây - Ba Vì (liên kết văn hóa Thăng Long - xứ Đoài); trục không gian cảnh quan Hà Đông - Chương Mỹ - Xuân Mai; trục không gian khoa học kết nối đô thị trung tâm với Hòa Lạc; trục không gian tâm linh Hồ Tây - Cổ Loa.

Ngoài ra, công tác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, các dự án xử lý nước thải, rác thải còn chậm. Trong khi đó quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm đã vượt ngưỡng khống chế trong QHC 1259, dẫn đến hạ tầng đô thị quá tải, ngột ngạt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo TS Lê Văn Hoạt - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội, một số định hướng phân bố dân cư, phát triển hạ tầng và không gian đô thị trong quy hoạch chậm được hiện thực hóa thời gian qua có hai nguyên nhân có liên quan nhau. Một là, trong cách làm quy hoạch và trong bản thân phương án quy hoạch; hai là, trong tổ chức thực hiện quy hoạch.

“Việc triển khai thực hiện quy hoạch không được quản lý, giám sát và kiểm soát theo định kỳ. Những bất cập trong phương án quy hoạch hoặc trong tổ chức thực hiện phương án quy hoạch không được kịp thời chỉ ra và xử lý ngay trong quá trình thực hiện quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch không được quản lý và kiểm soát tốt. Chính điều này khiến nhiều khu đô thị quy hoạch ban đầu rất đẹp và đồng bộ nhưng sau một thời gian triển khai xây dựng đã bị điều chỉnh trở nên xấu xí, manh mún, chắp vá. Khu đô thị Linh Đàm có thể được coi là điển hình trong các khu đô thị loại này” - TS Lê Văn Hoạt chỉ rõ.

Tăng cường quản lý quy hoạch

Hiện nay, Hà Nội đang hoàn thiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 để báo cáo, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Một trong những nội dung quan trọng trong đồ án điều chỉnh lần này đó là xác định mô hình phát triển và cấu trúc đô thị trên cơ sở kế thừa mô hình của QHC 1259. Trong đó, hệ thống đô thị gồm: đô thị trung tâm (khu vực đô thị phía Nam sông Hồng, đô thị Long Biên, Gia Lâm; TP phía Bắc thuộc khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); TP phía Tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai); hai đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; ba thị trấn sinh thái (Chúc Sơn, Quốc Oai và Phúc Thọ) và bảy thị trấn, huyện lỵ.

TP Hà Nội định hướng phát triển năm trục không gian chính, trong đó trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông.

Trục Hồ Tây - Ba Vì, kết hợp đồng bộ không gian Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6; xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài, kết nối trung tâm Thủ đô với TP phía Tây và kết nối các tỉnh lân cận. Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị lịch sử. Bố trí các công trình văn hóa, công trình biểu tượng dọc trục, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích Thành Cổ Loa trở thành không gian văn hóa lịch sử và văn hóa sáng tạo của tương lai.

Trục Nhật Tân - Nội Bài là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại (kết hợp đồng bộ với không gian trục Bắc Thăng Long - Nội Bài), kết nối với các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường xuyên Á, gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài và TP phía Bắc.

Phát triển mới trục không gian phía Nam gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính nhằm kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn – Tam Chúc, sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô và đô thị vệ tinh Phú Xuyên, đồng bộ với trục Quốc lộ 1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, kết nối cao tốc Tây Bắc và các tỉnh phía Nam, tạo dư địa và động lực phát triển mới.

 

 

Mỗi đô thị có cấu trúc tổ chức không gian khác nhau. Đối với các đô thị đã có quá trình phát triển lâu dài như Hà Nội thì tổ chức không gian rất phong phú, đa dạng theo vùng, khu đặc thù và các trục không gian. Tuy nhiên, việc phân bố không gian trong từng khu vực, nhất là hình thành các trục không gian đặc thù thời gian qua còn chậm, chưa trở thành động lực để thu hút phát triển. Những tồn tại trên rất cần được nhận diện khoa học, khách quan để điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó bước đi đầu cần quan tâm là tổ chức không gian.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

 

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là những định hướng quy hoạch, với những điều chỉnh lớn, tạo cơ hội để Thủ đô Hà Nội có bước phát triển mới. Có thể thấy, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này định hướng phát triển không gian của TP Hà Nội rất rõ ràng. Đây là cơ hội lớn để TP hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa.

Tuy nhiên,TP cần nhận diện rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện quy hoạch trong 12 năm qua và lựa chọn các trọng điểm trong tổ chức không gian, diện mạo đô thị, các khu đặc thù, trục không gian tiêu biểu. Nhất là tăng cường công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy hoạch, tránh tình trạng phá vỡ mục tiêu quy hoạch chung xảy ra thời gian qua.