Căn penthouse tọa lạc tại Thủ Đức có ưu điểm tầm nhìn rộng và đẹp hướng ra sông Sài Gòn. Tuy nhiên, căn hộ có nhược điểm mặt tiền hướng chính Tây với độ chói nắng cao.
Để khắc phục nhược điểm đó, kiến trúc sư đã tạo ra hai lớp không gian theo chiều ngang, phủ xanh không gian bên ngoài (ban công) và cả bên trong nội thất để hạ nhiệt và giảm độ chói nắng.
Trong căn hộ nhiệt đới này, con người và cây xanh cùng chia sẻ với nhau một không gian sống. Những loại cây được lựa chọn là cây nhiệt đới có khả năng sống tốt trong nhà như cau Ruby, cọ, các loại cây họ lá trầu lớn…
Bên cạnh đó, gia chủ sử dụng dịch vụ chăm sóc – đổi cây 6 tháng một lần nên sẽ đảm bảo về sự phát triển tươi tốt của cây khi sống trong nhà.
Sự kết nối bên trong với không gian bên ngoài là yêu cầu không thể thiếu ở một căn hộ nhiệt đới. Do đó, hệ cửa kịch trần được lắp đặt với tầm nhìn rộng thoáng cho phép ánh sáng tự nhiên tràn vào căn hộ, len lỏi qua những tán cây, vừa giúp tiết kiệm điện năng, vừa tạo hiệu ứng khu rừng trong nắng sớm.
Để lọc ánh sáng và giảm bức xạ nhiệt từ mặt trời, tại các không gian sinh hoạt chung như phòng khách – bếp được sử dụng rèm sáo gỗ, còn phòng ngủ được bố trí rèm vải cách nhiệt hai lớp để điều tiết ánh sáng theo mong muốn.
Câu chuyện về “Cơn mưa rừng nhiệt đới” không chỉ thể hiện ở cây xanh, mà còn trong các chi tiết thiết kế vật liệu, trang trí của căn hộ. Để gia tăng kết nối giữa con người và thiên nhiên, kiến trúc sư chủ ý lựa chọn những vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như gỗ, đá, vật liệu thủ công như mây, tre. Bởi địa thế trên cao, khô ráo, không mối mọt nên rất phù hợp sử dụng mây, là vật liệu vừa thân thiện mà lại dễ tạo hình.
Ngoài sử dụng màu sơn tường là màu kem pha xám, nâu, tạo thành tổ hợp “màu mưa”, kiến trúc sư còn tạo độ xước không đều trên bề mặt tường để tạo cảm giác giống những cơn mưa trong rừng nhiệt đới.
Bên cạnh các không gian chính, khu vực phụ như lối đi cũng được trang trí kệ tủ, đồ gốm và tranh, ánh nắng len lỏi vào không gian giúp cả căn hộ lúc nào cũng ấm áp.
Ở khu vực phòng ngủ master, sự riêng tư được gợi tả tinh tế bằng phòng tắm lộ thiên được ngăn cách với giường ngủ bằng các tấm gỗ sồi tái chế. Đây là điểm nhấn không gian tinh tế nhất bởi sự riêng tư dường như đạt đến tối đa, khi phòng tắm được tháo bỏ lớp bao quanh của bốn bức tường kín đáo, thay vào đó là tầm nhìn rộng mở, thư thái.
Không gian cuối cùng là phòng ngủ của trẻ em, giống như sâu trong khu rừng nhiệt đới nơi có một hang động đang ẩn mình. Giường ngủ của trẻ được lấy ý tưởng từ đó, trong “hang động” ấy chính là nơi các con có thể chơi đùa, leo trèo, trốn tìm như một chốn của riêng mình.