Cần khoảng 8.000 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án vụ sân Chi Lăng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Cục trưởng Cục thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng, phải cần khoảng 8.000 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án vụ án sân vận động (SVĐ) Chi Lăng. Tuy nhiên, hiện nay việc thi hành vụ án này không thể tiến hành xử lý được.

Không thể tiến hành xử lý
Ngày 7/7, tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận vấn đề thi hành án những vụ “đại án” trên địa bàn như: Vụ SVĐ Chi Lăng; vụ thu hồi lô đất 29ha thuộc Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước liên quan bị can Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”.
Đại biểu Huỳnh Minh Chức nêu: Sân Chi Lăng đưa ra đấu giá là phán quyết không hợp lòng dân, vì đây là chảo lửa, thánh địa, nơi diễn ra các sự kiện chính trị, xã hội của TP. Với ý nghĩa lịch sử như thế, nhân dân mong giữ lại sân Chi Lăng.
Thông tin về tiến trình thi hành án vụ án SVĐ Chi Lăng, ông Trần Phước Thu - Cục trưởng Cục THADS TP Đà Nẵng cho biết: Vụ án sân Chi Lăng liên quan đến bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn (TĐ) Thiên Thanh, do Cục THADS TP Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi ủy thác để thu hồi gần 4.132,5 tỷ đồng.
“Đây là số tiền gốc thôi và tính cả tiền lãi 4.000 tỷ đồng nữa thì phải cần khoảng 8.000 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án vụ án này”, ông Thu nói.
Ông Trần Phước Thu - Cục trưởng Cục THADS TP Đà Nẵng thông tin tại kỳ họp.
Theo ông Thu, đây là vụ việc hết sức phức tạp, khó khăn vì những lý do sau: Thứ nhất, đây là tài sản mà tình trạng pháp lý chưa rõ ràng, mặc dù bản án đã tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án. Hơn nữa, tại khu đất này đã được UBND TP Đà Nẵng trước đây phân thành 14 lô và cấp giấy chứng nhận cho các công ty con thuộc TĐ Thiên Thanh 10 lô, còn 4 lô hiện chưa được cấp giấy chứng nhận và chưa giải tỏa.
Thứ hai, việc đền bù cho các hộ dân bàn giao mặt bằng cho UBND TP Đà Nẵng giao cho các công ty con của TĐ Thiên Thanh hiện nay chưa hoàn thành.
Thứ ba, các hộ dân cũng như trụ sở doanh nghiệp vẫn còn nguyên, vẫn đang hoạt động trên khu đất sân Chi Lăng.
Thứ tư, các thủ tục giao đất cho các công ty con TĐ Thiên Thanh trước đây chưa đảm bảo về mặt thủ tục pháp lý theo quy định của luật.
Thứ năm, các bản án chỉ tuyên tiếp tục kê biên tài sản mà không triệu tập những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ví dụ như không mời UBND TP Đà Nẵng.
Ông Thu thông tin thêm, bản án thứ 6 vẫn duy trì kê biên trong đó 14 lô đã giải tỏa 3 lô, còn 1 lô vẫn giữ nguyên để đảm bảo việc thi hành án. 3 lô giải tỏa 3 thì 1 lô giao cho ngân hàng Hà Nội và 2 lô cho Ngân hàng thương mại xây dựng để đảm bảo thi hành án. Mà 3 lô này theo quy hoạch nằm trong SVĐ Chi Lăng nên không thể xử lý được.
“Mục đích sân Chi Lăng để thực hiện đầu tư, do đó dự án này xé lẻ ra sẽ phá nát quy hoạch của TP Đà Nẵng. Do đó không thể tiến hành xử lý thi hành được”, ông Trần Phước Thu nói.
Đề nghị giám đốc thẩm lại bản án
Ông Thu cho biết, trong giai đoạn thi hành án, UBND, Ban chỉ đạo thi hành án đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyện vọng thiết tha của người dân là muốn giữ lại sân Chi Lăng. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp, và Bộ tư pháp đã chỉ đạo các ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Trong thời gian 2018 - 2019, có 2 đoàn của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương về kiểm tra thực tế đối với SVĐ Chi Lăng và thấy khó khăn, vướng mắc. Qua báo cáo của Cục THADS Đà Nẵng, đây là vụ án hết sức khó khăn, không thể thi hành án.
 Sân Chi Lăng hiện nay.
Ông Thu thông tin thêm: “Trong thời gian thi hành án, phía ngân hàng không đồng ý và họ muốn đối trừ một số tiền vụ án Hứa Thị Phấn ở TP Hồ Chí Minh, nếu xong còn lại bao nhiêu họ sẽ nộp và tiếp tục muốn quy hoạch dự án ban đầu là Khu phức hợp thương mại, không xé lẻ nữa. Nguyện vọng của TĐ Thiên Thanh là vậy, tuy nhiên khả năng để nộp tiền và đối trừ của Hứa Thị Phấn không thực hiện được. Hiện nay việc thỏa thuận không thành.
“Xét thực hiện theo thẩm quyền của mình, Cục THADS Đà Nẵng đề nghị giám đốc thẩm lại bản án đối với bản án SVĐ Chi Lăng. Vì thực tế qua kiểm tra các đoàn thấy không thể thi hành được. Tháng 7/2019, Cục THADS Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị gửi TAND tối cao, Viện KSND tối cao. Hiện Viện KSND tối cao đã có phản hồi, còn TAND tối cao đang nghiên cứu”, ông Trần Phước Thu cho biết thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần