Cần làm gì để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Theo Toquoc.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mong muốn du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như định hướng của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1, trong không khí vui tươi đầu Xuân Đinh Dậu 2017, những người làm du lịch đã chia sẻ nhiều “kế” hay với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị.

Theo Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Lưu Đức Kế, để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta bắt buộc phải xóa bỏ những vấn đề còn tồn tại, còn bất cập, yếu kém. Du lịch mấy năm gần đây luôn là điểm sáng của nền kinh tế, nhưng chưa thực sự tỏa sáng vì chưa thực sự nhận được sự ủng hộ nhiều từ các ngành khác, như người ta vẫn ví Du lịch như “ngôi sao cô đơn”. Do vậy, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại “Hội nghị Diên hồng” về Du lịch, các bộ, ngành phải tâm phục khẩu phục và đồng thuận thực hiện theo. Đó là điều chúng tôi kỳ vọng nhất, không phải chỉ cho ngành Du lịch mà là cho nền kinh tế nói chung.

 Du khách quốc tế trải nghiệm phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Hồ Hạ.

Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra rằng: Tại sao Hội An không có ăn mày, ăn xin mà các tỉnh khác vẫn có? Có nghĩa đó không phải chuyện không làm được, chỉ là không biết cách làm hoặc không quan tâm thực hiện. Hay như câu chuyện về nhà vệ sinh dành cho khách du lịch, công trình nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, phụ nhưng lại rất chính. Đây là những việc hoàn toàn có thể làm được mà cái đó không phải là vấn đề của riêng du lịch mà các bộ, ngành, địa phương phải cùng chung sức. Khi Du lịch phát triển thì nhiều ngành kinh tế khác cũng cùng phát triển.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, thời gian gần đây, ngành Du lịch đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trên mọi phương diện. Sự thay đổi chính sách, chủ trương phát triển du lịch; chỉ đạo các cơ quan quản lý du lịch các cấp...  đã giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc du lịch là một ngành kinh tế. Nhiều nước đã lấy ngành du lịch để khắc phục giai đoạn khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế. Cho nên, định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một chủ trương rất đúng, có thể tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, công ăn việc làm cho người dân, đồng thời khai thác một cách hiệu quả các tài nguyên du lịch Việt Nam.

Ông Thắng cho rằng, để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch cần phấn đấu tăng trưởng với mục tiêu tăng trưởng trên 20% trong vòng 5 năm nữa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam gần như gấp đôi, khoảng 15-16 triệu khách, đóng góp cho nền kinh tế quốc dân khoảng 10-12% GDP. Mục tiêu đó hoàn toàn khả thi khi chúng ta tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch. Đầu tiên là quan tâm đến phát triển hạ tầng cơ sở, thứ hai là nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và điều quan trọng nhất là sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành đối với du lịch. Nếu làm được những điều đó, chắc hẳn du lịch sẽ có đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đồng tình với những chia sẻ trên, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan còn nhấn mạnh: "Theo tôi được biết thì chúng ta đang xem xét Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, vậy muốn Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì khi sửa luật, chúng ta cũng phải coi Du lịch là một ngành kinh tế thực sự. Bởi lẽ khi sửa luật là chúng ta định hình, xây dựng hướng đi cho một ngành nào đó. Nếu chưa có định hướng thì chúng ta rất khó xây dựng Luật”.

Ngoài ra, muốn phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Hoan còn cho rằng, Nhà nước cần chủ trương đầu tư cho các quy hoạch phát triển du lịch. Theo tôi, có ba loại quy hoạch: Thứ nhất, quy hoạch vùng du lịch, trong đó quy định rõ chúng ta tập trung phát triển du lịch những vùng nào, địa phương nào. Không phải tỉnh nào cũng phát triển du lịch. Du lịch, ai cũng làm được nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm. Thứ hai là quy hoạch sản phẩm du lịch như thế nào? Du lịch rất đa dạng nhưng chỉ nên tập trung vào những sản phẩm thế mạnh. Thứ ba là quy hoạch thị trường du lịch trọng điểm.

“Đặc biệt, phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ cho DN... Chúng ta phải đi từng bước, đừng yêu cầu phát triển du lịch mà gắn với tên một con người cụ thể, một cộng đồng cụ thể mà phải đi từ chính sách từ trên xuống", Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtours nêu quan điểm.

Giữ cương vị đứng đầu ngành kinh tế xanh của Thủ đô, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành trong bối cảnh ngành du lịch rất vui mừng và tự hào về những kết quả đạt được trong năm 2016, được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba lợi thế phát triển dài hạn của nước ta bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao và công nghệ thông tin, viễn thông. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao vai trò và vị thế của ngành du lịch trong xu thế hội nhập, phát triển và đổi mới. Đối với Thủ đô Hà Nội, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 06 với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Vì vậy, tôi cho rằng, để phát triển du lịch Thủ đô về đích như kỳ vọng, ngành du lịch phải kịp thời tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và tiếp tục thực hiện thật tốt các mục tiêu và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 06, Kế hoạch số 207 của UBND Thành phố về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.

Trong thời gian tới, ngành du lịch Hà Nội sẽ nỗ lực phấn đấu để tạo động lực cho sự phát triển chung của ngành du lịch cả nước với vai trò là Thủ đô, là trái tim của Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần