Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần làm gì khi da bị cháy nắng?

Anh Đào (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sử dụng nước mát để làm dịu da, thoa gel nha đam, uống nhiều nước... là một số cách chữa cháy nắng đơn giản, giúp bạn giảm thiểu tối đa hậu quả của cháy nắng.

Nhận diện tình trạng da bị cháy nắng

Cần làm gì khi da bị cháy nắng? - Ảnh 1

Cháy nắng là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc với nguồn ánh sáng mạnh trong thời gian dài. Nguồn ảnh: Internet

Cháy nắng là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc với nguồn ánh sáng mạnh trong thời gian dài. Một trong những tác nhân phổ biến gây cháy da là tia UV trong ánh nắng mặt trời.

Bên cạnh đó, da cũng có thể gặp tình trạng này nếu tiếp xúc với những nguồn ánh sáng nhân tạo mạnh khác.‏

‏Cháy nắng có thể chia ra nhiều mức độ. Trong trường hợp tổn thương nhẹ, làn da có biểu hiện ửng đỏ, cảm giác rát nhẹ và nóng râm ran khi chạm vào. Da bị cháy nắng nặng hơn có cảm giác bỏng rát, châm chích, sưng nề, thậm chí xuất hiện mụn nước hay phồng rộp da. ‏

Cách xử lý khi da bị cháy nắng

‏Những hiện tượng này có thể xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và kéo dài nhiều ngày sau đó. Việc chăm sóc da đúng cách sẽ giúp da cháy nắng phục hồi nhanh và hoàn toàn hơn.‏

‏Sử dụng nước mát làm dịu da

‏‏Để xử lý da bị cháy nắng, việc đầu tiên cần làm sau khi đi ngoài trời nắng, bạn cần ngâm tay trong nước mát hoặc để tay dưới vòi nước chảy liên tục đến khi nào da cảm thấy dịu, không còn cảm giác nóng rát.‏

‏Không cần thiết phải sử dụng nước đá vì có thể gây bỏng nặng thêm cho da, chỉ cần dùng nước sạch mát bình thường để làm dịu da.‏

‏Thoa gel nha đam làm mát da‏‏

‏Nha đam, hay còn gọi là lô hội, là nguyên liệu quen thuộc được sử dụng trong làm đẹp bởi khả năng cấp ẩm rất tốt mà nó mang lại. Thoa nha đam lên bề mặt da bị cháy nắng sẽ giúp làm mát, làm dịu da, giảm kích ứng, thúc đẩy quá trình hồi phục một cách nhanh chóng.‏

Dùng baking soda và bột yến mạch

‏Biện pháp này có thể giúp giảm nhẹ các tổn thương da do ánh nắng mặt trời và cung cấp độ ẩm cho da hồi phục. Bạn chỉ cần pha một vài muỗng baking soda vào bồn tắm với nước mát và ngâm mình trong đó khoảng 15 đến 20 phút. ‏

‏Thêm bột yến mạch vào hỗn hợp ngâm mình sẽ tăng thêm hiệu quả làm dịu tình trạng kích ứng. Lưu ý không chà xát quá mạnh lên bề mặt da, chỉ nên dùng khăn sạch nhẹ nhàng thấm khô bề mặt sau khi tắm.‏

Ngoài ra, một số biện pháp sau cũng có hiệu quả khi da bị cháy nắng sạm đen:

Mặc quần áo mỏng nhẹ: khi da bị cháy nắng, nên lựa chọn những loại quần áo không bám vào bề mặt da. Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể vì vậy điều tốt nhất là tạo sự thông thoáng cho làn da hô hấp và phục hồi từ những tổn thương như cháy nắng. Chất liệu từ các loại sợi tự nhiên như cotton là sự lựa chọn tốt trong trường hợp này

Uống nhiều nước: khi bị cháy nắng, da cần nhiều độ ẩm hơn để phục hồi. Uống nhiều nước là biện pháp đơn giản và mang lại nhiều hiệu quả.

Sử dụng kem dưỡng ẩm: ngoài những biện pháp xử trí ban đầu, làn da cần được chăm sóc nhẹ nhàng hơn. Một trong những điều quan trọng cần làm để phòng tránh bong da là sử dụng kem dưỡng ẩm lên các vùng da bị tổn thương. Nên lựa chọn các loại kem chuyên biệt dùng riêng cho da nhạy cảm, đặc biệt không chứa chất tạo màu và chất tạo hương để hạn chế gây kích ứng da.

Các biện pháp phòng tránh cháy nắng

Cần làm gì khi da bị cháy nắng? - Ảnh 2

Sử dụng kem chống nắng đủ và thường xuyên. Nguồn ảnh: Internet

Một số phương pháp giúp phòng ngừa tình trạng tổn thương da do ánh nắng mặt trời, bao gồm:

Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều: đây là thời điểm bức xạ mặt trời cao nhất vì thế nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong khoảng thời gian này.

Tránh sử dụng các giường tắm nắng: ánh sáng nhân tạo từ các giường tắm nắng có khả năng sản xuất tia cực tím và gây bỏng da.

Che chắn: khi đi ra ngoài, nên đội mũ rộng vành và mặc áo dài tay và quần dài để bảo vệ cơ thể. Trang phục tối màu có khả năng bảo vệ tốt hơn.

Sử dụng kem chống nắng đủ và thường xuyên: chọn các loại kem chống nắng kháng nước và son dưỡng có chỉ số SPF từ 30 trở lên với phổ kháng tia UVA và UVB. Nên bôi kem chống nắng lên da trong khoảng 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài, lưu ý những khu vực da không được che chắn. Sử dụng kem chống nắng lặp lại sau mỗi 40 đến 80 phút hoặc ngay sau khi đi tắm hay ra nhiều mồ hôi. Nên bôi kem chống nắng trước khi bôi kem đuổi côn trùng.

Mang kính mát khi đi ra ngoài: nên lựa chọn các loại kính có khả năng chống tia UVA và tia UVB, có thể tham khảo trên các thông số của sản phẩm.