Cần làm rõ khuất tất trong việc thực hiện chương trình 134, 135

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ánh về những sai phạm trong việc thực hiện các chương trình 134, 135 ở một số huyện miền núi Thanh Hóa, gây bức xúc trong Nhân dân. Chúng tôi đã đi tìm hiểu những vấn đề trên tại hai huyện Như Xuân và Ngọc Lặc.

Sai từ dự án bò lai Sind

Theo điều tra của chúng tôi, thực hiện chương trình 135 (giai đoạn II), trong hai năm 2007- 2008, huyện miền núi Như Xuân đã cấp 864 con bò cho 864 hộ dân và nhóm hộ dân ở các xã: Xuân Hòa, Thanh Quân, Thanh Sơn, Tân Bình, Thanh Lâm... theo dự án phát triển sản xuất. Thế nhưng, do không có đồng cỏ, không có thức ăn nuôi bò, trong khi người dân lại thiếu đói nên đến giữa tháng 9/2009, bà con xã Xuân Hòa đã bán 59 con bò trong tổng số 137 con bò dự án được cấp để lấy tiền mua gạo ăn. Mỗi con bò dự án trị giá 7 triệu đồng, nhưng nay bà con chỉ bán được 2,4 - 2,5 triệu đồng/con. Vì thế, nông dân bỗng dưng trở thành con nợ của Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện. 

 
Mỗi giếng nước (chia nhỏ) ở Mỹ Tân (Ngọc Lặc-Thanh Hóa) được quyết toán 50 triệu đồng.
Mỗi giếng nước (chia nhỏ) ở Mỹ Tân (Ngọc Lặc-Thanh Hóa) được quyết toán 50 triệu đồng.
Ông Đỗ Minh Tấn (thôn 8, xã Xuân Hòa) cho biết: Năm 2008, gia đình anh Tấn được UBND xã bình xét cấp cho một con bò lai Sind trị giá 7 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2 triệu, còn gia đình phải vay NHCSXH huyện 5 triệu đồng (lãi suất 0,65%/tháng, trong vòng 36 tháng phải trả). “Gia đình tôi nhận bò về nuôi nhưng vì không có thức ăn chăn nuôi theo kiểu công nghiệp cho bò lai Sind ăn hằng ngày. Vì vậy, ngày nào cũng phải có một người đi khắp xã hoặc sang xã khác kiếm thức ăn cho bò"- ông Tấn nói.

Ông Lê Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Năm 2007 và 2008, quá trình cấp bò lai Sind theo dự án phát triển sản xuất (thuộc CT 135 giai đoạn II) cho các hộ dân trên địa bàn huyện còn một số hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là do lúc lập danh sách các hộ nhận bò dự án tại cơ sở chưa sát với thực tế và điều kiện tự nhiên, tập quán chăn nuôi của địa phương. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều bà con nông dân nghèo đói, phải bán bò dự án lấy tiền chi tiêu, rồi lại mang ngân hàng là có thật. UBND huyện sẽ rút kinh nghiệm từ dự án này để thực hiện các dự án tiếp theo đạt hiệu quả hơn.

Đến chương trình nước sinh hoạt

Ở huyện Ngọc Lặc, dự án xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt (134) cho dân quy định một đằng, lại làm một nẻo. Tại xã Mỹ Tân, năm 2008, chương trình 134 “rót” về xã này 1,2 tỷ đồng để xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào (theo quy định, mỗi công trình nước được đầu tư 400 triệu đồng). Thế nhưng, UBND xã Mỹ Tân (là chủ đầu tư) lại bóc tách tổng số tiền 400 triệu đồng ra để tự ý xây dựng thành 8 công trình nhỏ (50 triệu đồng/giếng). Theo điều tra của phóng viên, một số người dân ở Mỹ Tân cho biết, tổng chi phí cho mỗi giếng đào và xây hai ngăn nhà tắm chỉ hết khoảng trên dưới 10 triệu(?!).

Ông Phạm Thanh Hồng - Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho rằng: Do đặc thù địa lý, địa hình của địa phương và theo ý nguyện của dân nên chính quyền mới quyết định chia nhỏ số tiền ra để đào giếng cho bà con thuận lợi đi lấy nước. Hiện nay, trong số 24 giếng nước sinh hoạt (được chia nhỏ) ở xã này thì mới thực hiện được 70%, số còn lại, huyện Ngọc Lặc chỉ đạo dừng để chờ đến mùa khô mới tiếp tục đào.

Ông Phạm Văn Phượng - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi sẽ sớm thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra vấn đề nông dân huyện Như Xuân phải bán bò dự án để có cách xử lý”. Còn vấn đề dự án nước sinh hoạt tập trung theo chương trình 134, ông Phượng cho biết: Từ năm 2006-2009, Thanh Hóa có 19.987 hộ dân được hỗ trợ mỗi hộ 400.000đồng để xây dựng công trình nước sinh hoạt phân tán. Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành giải ngân theo kế hoạch là 7.995 triệu đồng. Đối với công trình nước sinh hoạt tập trung, toàn tỉnh có 297 công trình (mỗi công trình 400 triệu đồng). Nhưng đến nay, mới thực hiện được 150 công trình. Việc UBND xã Mỹ Tân (Ngọc Lặc) lại bóc tách, chia nhỏ ra để đào giếng, ông Phượng khẳng định: “Theo quy định, mỗi công trình nước sạch tập trung, đơn vị chủ đầu tư không được tách hay chia nhỏ ra để xây dựng. Nếu tách nhỏ ra là sai quy định của Nhà nước”. 

Ông Phượng cũng cho rằng: Nếu xã nào làm như Mỹ Tân thì phải được sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền (bao gồm cả huyện và tỉnh-PV). Như vậy, liệu các cấp có thẩm quyền ở Thanh Hóa có biết những sai phạm trong việc thực hiện chương trình 134, 135 kia hay không?