Cần lắng nghe ý kiến của các địa phương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là ý kiến của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ vào sáng 5/6, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

>>>Minh bạch tài chính trong việc sử dụng nguồn vốn ODA

>>>Đánh giá cao nỗ lực ổn định kinh tế của Chính phủ Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Các tỉnh Duyên hải miền Trung được xem là “điểm nóng” của cái nghèo. Lý do dẫn đến sự nghèo này của các tỉnh miền Trung có thể nói đến là do thiên tai bão lũ, khí hậu khắc nghiệt, rủi ro từ hậu quả chiến tranh để lại…"

Trong những năm gần đây, tình hình giảm nghèo của Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Duyên hải miền Trung nói riêng là rất nhanh. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các tỉnh Bắc Trung bộ hiện vấn đề giảm nghèo vẫn đang còn đáng lo ngại vì tình hình giảm nghèo ở đây chưa được bền vững và có nguy cơ tái phát nghèo. Vì vậy, miền Trung của Việt Nam cần sự giúp đỡ của các nhà tài trợ cùng với chính phủ Việt Nam đưa các tỉnh nghèo này giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua các dự án tài trợ.

Cần lắng nghe ý kiến của các địa phương - Ảnh 1

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam: Chính phủ cần lắng nghe địa phương trong vấn đề giảm nghèo.

Còn bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: Nhìn chung, trong những năm qua nguồn kinh phí của các nhà tài trợ vào Việt Nam đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, để nguồn kinh phí này có hiệu quả và đem lại những điều thiết thực cho người dân trong “công cuộc” giảm nghèo tại miền Trung- Việt Nam trong những năm tiếp theo thì Chính phủ Việt Nam cần phải lắng nghe ý kiến của các địa phương. Bà Victoria Kwakwa chỉ rõ, địa phương phải có những ý kiến đề xuất thiết thực về nhu cầu của người dân nghèo đang cần gì, việc đầu tư các dự án có mang lại hiệu quả hay không… Theo đó, lãnh đạo các cấp Trung ương cần bám sát vào những đề xuất thiết thực đó để có chiến lược cùng với các nhà tài trợ giải quyết một cách có hiệu quả.

Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh: Để “công cuộc” giảm nghèo đạt hiệu quả cao, cần phải có những cuộc thảo luận thẳng thắn của ba bên gồm: Lãnh đạo cấp Trung ương, các nhà tài trợ và địa phương. Các cuộc trao đổi thảo luận này cần phải hướng đến một mục tiêu là bảo quản nguồn vốn tài trợ, đặc biệt là các nguồn vốn không hoàn lại cho giảm nghèo, người dân phải thực sự được hưởng lợi từ các dự án giảm nghèo mà các nhà tài trợ bỏ ra.

Theo báo cáo tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ trên, hiện dân số của các tỉnh Duyên hải miền Trung khoảng 18,94 triệu người, chiếm 21,9% dân số cả nước. Theo đó, người dân của các tỉnh, thành này có đời sống thấp so với cả nước, thu nhập bình quân đầu người là 14,718 triệu đồng/năm bằng 66, 31% mức bình quân chung của cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần