Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân lên, đặt xuống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nhân điện lực kiểm tra thông số vận hành hệ thống điện tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Hoàng Anh

Biểu giá 6 bậc đang áp dụng là quá nhiều và nên đưa về 3 - 4 bậc, đó là quan điểm chung của nhiều chuyên gia kinh tế, khách hàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi cơ quan này tổ chức lấy ý kiến về các phương án tính giá bán điện mới ngày 22/9. Ngoài ra, cũng có rất nhiều ý kiến khác xung quanh các phương án mới này.      

3 phương án chỉ thấy khả thi 1  

Thực tế biểu giá bán điện đang áp dụng hiện nay mặc dù mới thực hiện (từ 16/3/2015) nhưng đã có nhiều bất hợp lý. Không chỉ dịp cuối tháng 5 đến tháng 6, nhiều khách hàng mua điện tá hỏa với hóa đơn tiền điện tăng cao gấp 3 - 4 lần so với trước mà ngay trong kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 8 vừa qua cũng đã có không ít trường hợp bức xúc. Bức xúc vì thiết bị điện không tăng, thời tiết trong tháng không còn những đợt nắng nóng kéo dài nhưng tiền điện lại vẫn tăng vòn vọt. Kiểm tra đồng hồ, thậm chí tháo đồng hồ để mang đi kiểm định, phần lớn cho kết quả, đồng hồ đo đếm điện hoàn toàn bình thường. Mọi bức xúc đổ đồn cho lý do biểu giá lũy tiến bất hợp lý. Phần lớn là các trường hợp có hóa đơn từ 1,3 - 2 triệu đồng/tháng, tương ứng mức dùng từ 600 - 850 kWh.
Công nhân điện lực kiểm tra thông số vận hành hệ thống điện tại huyện Hoài Đức. 	 Ảnh: Hoàng Anh
Kinhtedothi - Công nhân điện lực kiểm tra thông số vận hành hệ thống điện tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Hoàng Anh
Chỉ làm một phép tính đơn giản, 400kWh đầu giá là 803.950 đồng, với nguyên tắc dùng nhiều giá cao, từ số 400kWh trở lên, tức bậc 6 hiện nay, đơn giá là 2.587 đồng/kWh, đắt hơn 74,3% giá bậc 1, hơn 68,7% giá ở bậc 2, hơn 44% giá ở bậc 3, hơn 15,3% giá ở bậc 4 và cao hơn 3% giá ở bậc 5.

Chính vì vậy, dư luận ghi nhận tinh thần cầu thị và lắng nghe của EVN trước những bức xúc của biểu giá điện hiện hành để xây dựng dự án biểu giá điều chỉnh giá bán điện mới… Tuy nhiên, ở phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện hành không có gì để góp ý vì đã được khẳng định là bất cập. Với phương án 2: Biểu giá điện sinh hoạt chỉ áp dụng một giá (đồng giá) là 1.747 đồng/kWh. Ưu điểm của phương án này là dễ áp dụng, minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đèn ghi chép và tính tiền theo chỉ số công tơ. Người dân và các hộ tiêu thụ điện dù lớn hay nhỏ không phải lo nghĩ nhiều khi cầm tờ hóa đơn tiền điện hàng tháng rằng liệu máy tính có nhẩy số hay có bị “ăn gian” tiền điện không, như chuyện đã được ghi nhận trong mùa hè vừa qua… Tuy nhiên, phương án này quên mất đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, chưa quán triệt được chủ trương, chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, cũng không nên bàn đến sự “cải lùi” này.

Phương án 3, rút ngắn bậc thang về 3 - 4 bậc được đánh giá là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều, sẽ càng phải trả tiền điện với giá cao hơn, và ngược lại. “Đây là phương án ít nhược điểm nhất và tác động tăng giá điện đến các hộ dân cũng là ít nhất” - ông Nguyễn Tiến Thỏa (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) lãnh đạo Công ty TNHH Tư vấn quản lý và phát triển Việt Nam, đơn vị được Tập đoàn Điện lực (EVN) thuê xây dựng biểu giá mới đánh giá.

Vẫn phải tiếp tục nghiên cứu

Tuy nhiên, gốc vấn đề ở đây không phải là câu chuyện chia bao nhiêu bậc mà chính là khoảng cách giữa các bậc thang và đơn giá ra sao. “Khoảng cách giữa các bậc, nhất là hai bậc đầu nên giãn cách ra xa hơn, có thể cách nhau 100 - 150 kWh thì mức tiền phải trả sẽ giảm xuống” - TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều chuyên gia kinh tế cũng như những khách hàng mua điện của EVN. Theo đó, với người nghèo, người dùng dưới 100 kWh nên tính giá thấp. Bậc tiếp theo, là các hộ trung bình cũng nên có độ chênh lệch tính giá vừa phải để không bị quá cao. Trong khi người dùng trên 400 kWh mới là đối tượng phải trả giá cao. Bên cạnh đó, biểu giá mới cũng cần là một barie chặn những khách hàng, đặc biệt là các DN sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng, chậm đổi mới công nghệ…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, việc lấy ý kiến sẽ còn được kéo dài hết tháng 9. “Đến lúc này EVN chưa nghiêng về phương án nào mà việc đó sẽ do Bộ Công Thương lựa chọn, hoàn chỉnh để trình Thủ tướng quyết định. Nhưng quan điểm của EVN cũng là không nên bán điện đồng giá, cần theo bậc lũy tiến để người dùng điện quá cao phải chịu giá cao" - ông Tri bày tỏ.