Cần linh hoạt hình thức công khai thông tin trong dân chủ ở cơ sở

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/8, Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi khảo sát.

Báo cáo với đoàn khảo sát, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 Lưu Minh Đông cho biết, UBND phường luôn thực hiện tốt Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện công khai, thảo luận các văn bản theo quy định trên tất cả lĩnh vực, nên được đông đảo Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, đồng thuận trong xã hội.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, do vậy đã thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương đạt nhiều kết quả tốt. Trách nhiệm của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về dân chủ ở cơ sở được nâng cao.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi khảo sát.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi khảo sát.

Ngoài ra, UBND phường Cổ Nhuế 2 tiếp tục đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân, sát dân hơn. Tôn trọng, lắng nghe và chân thành tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Giải quyết kịp thời những vướng mắc của Nhân dân. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chỉnh theo cơ chế một cửa. Các tầng lớp Nhân dân đã phát huy dân chủ, đồng thuận, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý thức trách nhiệm công dân được nâng cao.

ĐB Quốc hội chuyên trách Nguyễn Tuấn Thịnh - Phó Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại buổi khảo sát.
ĐB Quốc hội chuyên trách Nguyễn Tuấn Thịnh - Phó Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại buổi khảo sát.

Đặc biệt, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, chính quyền chuyển biến tích cực. Theo phương châm "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được tăng cường, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền trong một bộ phận cán bộ, đảng viên góp, phần xây dựng hệ thống chính trị ngày cảng vững mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại. Đơn cử như công tác tuyên truyền hàng năm luôn thực hiện tốt nhưng do địa bàn rộng nên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác chuẩn bị và lập hồ sơ công khai theo quy định Pháp lệnh số 34 còn hạn chế, một số đơn vị nộp chậm chưa đầy đủ hồ sơ. Một bộ phận Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ các nội dung của Pháp lệnh số 34, lợi dụng dân chủ để gây mất trật tự công cộng.

ĐB Quốc hội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại buổi khảo sát.
ĐB Quốc hội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại buổi khảo sát.

Tại buổi khảo sát, các đại biểu, cử tri cơ bản nhất trí cao với nội dung của dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bày tỏ quan điểm về nội dung Nhân dân bàn và quyết định, ông Dương Văn Huân - Tổ dân phố Đống 2 (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, những vấn đề đưa ra dân bàn, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận phải thống nhất. Khi tổ chức họp hội nghị cử tri phải gợi ý nội dung trọng tâm, thể hiện thái độ cầu thị, tạo ra sự phấn khởi, tin tưởng của Nhân dân mới phát huy được tinh thần trách nhiệm của Nhân dân đối với công việc trong cộng đồng dân cư.

“Dự thảo đã quy định các quyết định của cộng đồng dân cư phải có trên 50% tổng số cử tri đại diện các hộ gia đình tiến hành là phù hợp. Thực tế, nhiều nội dung không có được trên 50% cử tri hộ gia đình tham dự hội nghị (do nhiều nguyên nhân). Thông thường hội nghị đại biểu cử tri có khoảng 30% cử tri hộ gia đình tham gia. Những hội nghị quan trọng như bầu Tổ trưởng Tổ dân phố mới có trên 50% đến 80 - 90% đại biểu cử tri hộ gia đình tham dự” - ông Huân nêu rõ.

Cử tri nêu ý kiến tại phát biểu tại buổi khảo sát.
Cử tri nêu ý kiến tại phát biểu tại buổi khảo sát.

Ngoài ra, các cử tri phường Cổ Nhuế 2 cũng đề nghị cần linh hoạt hình thức công khai thông tin tại phường, xã, thị trấn đối với địa bàn đặc thù để phù hợp với điều kiện thực tế. Tăng tỷ lệ quy định cử tri tán thành để quyết định các vấn đề của cộng đồng dân cư; nên thành lập Ban Thanh tra Nhân dân ở tất cả  loại hình cơ sở để tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức này; có chế tài xử lý việc lợi dụng dân chủ ở cơ sở để gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…

Thay mặt đoàn khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tại buổi làm việc. Các ý kiến đã giúp đoàn khảo sát đánh giá khách quan công tác triển khai thực hiện quy định, chính sách pháp luật liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đoàn kết trong Nhân dân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Kết quả của buổi khảo sát sẽ được Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào kỳ họp tới của Quốc hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần