Theo đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa lưu ý hai vấn đề. Một là, hiện có hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 như: mất việc làm, tạm ngừng công việc, cắt giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Đặc biệt, giá xăng tăng cao, kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá, trong khi đó thu nhập của người dân, nhất là bộ phận người dân nghèo không tăng khiến cho cuộc sống mưu sinh của họ trở nên vất vả hơn rất nhiều. Đại biểu đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm vấn đề này, nghiên cứu để ban hành các giải pháp như: giảm giá xăng dầu; tăng cường tiết kiệm chống lãng phí, bỏ ra ngoài danh mục đầu tư công những dự án chưa thực sự cần thiết, chậm tiến độ quá lâu, để dành những khoản tiền này hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội; đẩy nhanh hơn nữa và có tiến độ cụ thể việc triển khai gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
Hai là, trong thực thi công vụ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề cập đến "căn bệnh" sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. "Tôi không nói đến những người cố tình làm sai, những người tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mà muốn nói đến những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm căn bệnh này. Đây không phải là vấn đề mới, nhiều đại biểu QH và báo chí cũng đã nêu".
Nhấn mạnh điều này, đại biểu tỉnh Nam Định cho biết, hiện nay, có người cho rằng bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai không, nếu sai thì không biết sai ở chỗ nào; thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm. Có nơi còn chủ động mời cơ quan thanh tra, kiểm toán, thậm chí công an vào tham gia ngay từ giai đoạn đầu thực hiện Dự án.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân khách quan là quy định pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng; chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa còn có nguyên nhân chủ quan như: năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai; có trường hợp người có thẩm quyền quyết định thì thiếu chuyên môn lại không dám tin cấp dưới; hoặc cấp dưới trình độ còn hạn chế, tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm, lại thụ động chờ ý kiến cấp trên.
Cho rằng tình trạng trên không phải là phổ biến, nhưng rất đáng lưu ý trong giai đoạn hiện nay, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần phải có những giải pháp cụ thể hơn để xử lý tình trạng này.
Cụ thể, theo đại biểu, cần sửa đổi những quy định pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân; luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; lựa chọn đúng cán bộ vào từng vị trí công tác; có chính sách thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao trình độ cho cán bộ, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán công tác phòng ngừa, cảnh báo.