Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần nâng cao ý thức giao thông thay vì bỏ bộ đếm đèn đỏ

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành đèn tín hiệu giao thông là do ý thức. Việc bỏ bộ đếm trên đèn tín hiệu khó làm thay đổi nhận thức của người dân mà còn gây nên sự bất tiện.

Thí điểm bỏ đếm giây trên đèn tín hiệu giao thông

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã thí điểm bỏ đếm thời gian trên đèn tín hiệu ở một số giao lộ lớn. Lý giải về việc này, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Võ Khánh Hưng, bộ đếm lùi giây tại các giao lộ giúp người đi đường nhận biết để có ứng xử khi gặp đèn giao thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, có tình trạng người dân tăng tốc vượt khi đèn xanh chỉ còn vài giây; hoặc cố vượt khi chưa hết đèn đỏ; người phía trước bị người phía sau nhấn còi nhắc nhở. "Việc hai bên đều tranh thủ vài giây là nguyên nhân dẫn đến va chạm giao thông. Từ thực tế này, Sở Giao thông vận tải đã nghiên cứu bỏ bộ đếm giây và đã thí điểm ở 4 giao lộ" - ông Võ Khánh Hưng thông tin.

Người dân vượt đèn đỏ gây nên xung đột giao thông.
Người dân vượt đèn đỏ gây nên xung đột giao thông.

Có thể thấy, hệ thống đồng hồ đếm lùi tại các trụ đèn giao thông có tác dụng quan trọng để người điều khiển phương tiện đưa ra quyết định chính xác khi tham gia giao thông. Song việc có đồng hồ đếm giây cũng tạo tâm lý tận dụng khoảng thời gian trước các đèn tín hiệu để tăng tốc vượt đèn đỏ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Một số quốc gia như Đức, Nhật Bản và Trung Quốc đã bỏ bộ đếm ngược trên đèn giao thông. Bởi nếu duy trì sẽ không thể áp dụng hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm thiểu xe cá nhân.

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh vấn đề bỏ hay giữ. Tuy nhiên, cần chọn giải pháp nhiều ưu điểm và phù hợp xu hướng phát triển của giao thông tại nước ta. Đồng thời, việc thí điểm nên triển khai ở nhiều giao lộ có tình hình giao thông khác nhau. Từ đó đưa ra kết quả toàn diện áp dụng phù hợp cho từng khu vực. 

Chị Lê Thị Hương trú tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi cho rằng, không nên bỏ đèn giao thông đếm ngược, bởi thực tế, việc đếm giây đang rất hợp lý và giảm nguy cơ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông rất nhiều. Nó còn giúp người lái xe được chủ động, nhận biết được tình huống để kịp thời xử lý tình huống. Từ thực tế bản thân khi tham gia giao thông cứ đến ngã ba, ngã tư, các điểm giao nhau mà không có đèn giao thông đếm ngược là rất bị động, lúng túng, khó xử lý hơn. Nhiều người tham gia giao thông cứ dự đoán, áng chừng thời gian rồi vượt đèn đỏ, đôi khi thời gian khá lâu mà đèn xanh vẫn chưa bật”.

Nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Chuyên gia giao thông thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, nhiều nước trên thế giới người dân có ý thức khi tham gia giao thông tốt có thể không cần. Tuy nhiên, ở Việt Nam ý thức chưa tốt, xe máy và ô tô đi chung gây nên tình trạng hỗn loạn, mạnh ai nấy đi. Khi có bộ đếm ngược, sẽ không có tình trạng đến ngã tư phanh gấp khi đèn đột ngột chuyển đỏ. Vấn đề vượt đèn đỏ là do ý thức, không phải do bộ đếm ngược. 

Theo vị chuyên gia này, về nguyên tắc dù đèn xanh còn 1-2 giây thì các phương tiện vẫn có quyền được đi tiếp, không thể gọi đó là cố tình vượt đèn đỏ. Thứ hai, nguyên nhân xảy ra xung đột tại các nút giao là do phân bổ thời gian đèn xanh - đỏ chưa hợp lý. Việc phân bổ thời gian đèn tín hiệu phải dựa trên tốc độ, lượng phương tiện qua lại, thời điểm cũng như khoảng cách các nút giao.

Anh Lê Anh Tú, chuyên gia đào tạo lái xe an toàn chia sẻ: “Việc có bộ đếm giúp người tham gia giao thông có ý thức, có thời gian để điều chỉnh vận tốc phù hợp, giúp giảm thiểu rủi ro giật mình, dẫn tới bị xe sau tông hoặc cố vượt để mắc lỗi vi phạm vượt đèn đỏ”.

Theo anh Lê Anh Tú, ở một số thành phố lớn, người dân có tâm lý canh còn vài giây đèn đỏ để vượt. Do vậy, có thể bỏ giây khi đèn đỏ nhưng buộc phải giữ giây đèn xanh để người tham gia giao thông chuẩn bị dừng lại.

“Việc có giây đếm đèn tín hiệu còn giúp bảo đảm cho sự vận hành của phương tiện khi nếu thời gian dừng quá lâu, người lái xe sẽ chủ động đưa hộp số về số để dừng phương tiện thay vì đạp phanh, gây hao phí nhiên liệu ảnh hưởng đến môi trường” – anh Lê Anh Tú chia sẻ.