Đề nghị chuyển nguồn vốn năm 2022 và 2023 sang hết giai đoạn
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đánh giá cao công tác triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia, sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương. Đồng thời, đại biểu cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó có tình trạng chậm phân bổ vốn, phân bổ không đúng đối tượng, việc giao vốn sự nghiệp bất cập. Tiến độ giải ngân vốn của 3 Chương trình rất chậm, đến nay mới đạt được dưới 50% đặc biệt là vốn sự nghiệp đạt rất thấp…
Đại biểu cho rằng, với những khó khăn cả về thể chế và con người, nếu không có giải pháp đột phá, cơ chế đặc thù, khả năng thực hiện mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình, đại biểu đề nghị cần có nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền và có có chế như Chính phủ đề xuất để giải ngân vốn đầu tư nhanh.
Cùng mối quan tâm này, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, tỷ lệ đối ứng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cao, trong khi nguồn thu ngân sách một số địa phương còn hạn chế nên khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo đối ứng theo quy định. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ đối ứng đối với các tỉnh nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách Trung ương, để tỉnh có thể cân đối được nguồn vốn của địa phương mà không mất đi nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh miền núi, các tỉnh nhận hỗ trợ lớn ngân sách từ Trung ương để thực hiện các công trình giao thông, nhất là ở khu vực miền núi.
Về giải ngân vốn chương trình mục tiêu đối với vốn sự nghiệp, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép chuyển nguồn vốn này năm 2022 và 2023 đến hết giai đoạn của Chương trình 2021-2025.
Lý giải cho đề xuất này, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, việc giải ngân nguồn vốn này chậm là do vướng mắc về cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ, nhất là quy định về đối tượng thụ hưởng nội dung hỗ trợ, quy trình thanh quyết toán. Thực tế, việc tổ chức triển khai cơ bản mới được triển khai từ giữa tháng 8/2023. Trong khi đó, nguồn vốn còn lại của chương trình chưa giải ngân được rất lớn.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, hiện việc thực hiện bố trí vốn đối ứng đối với các địa phương còn nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương là rất khó khăn. Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ 100% vốn cho các chương trình đối với các địa phương còn khó khăn về ngân sách.
Nhìn nhận lại câu chuyện về lồng ghép nguồn vốn cho phù hợp
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến nội dung đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn năm 2022-2023, bởi đây là nội dung rất nên cân nhắc, phiên thảo luận hôm nay là nhằm họp để bàn làm sao để hoàn thành cho tốt, cho xong. Theo đó, cùng lắm chỉ nên kéo dài đến hết quý 1/2024, nếu qua thời gian này vẫn chưa hoàn thành, sẽ coi như không hoàn thành nhiệm vụ và chuyển nguồn vốn này sang cho nội dung khác, dự án khác.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) không đồng tình về quan điểm đó. Đại biểu Dương Văn Phước nhấn mạnh: 3 Chương trình mục tiêu quốc gia này rất quan trọng, mục tiêu hướng đến người dân, đặc biệt là người dân nghèo, đặc biệt khó khăn. Đáng chú ý, đại đa số người dân, các địa phương từ mọi miền đất nước đều mong muốn các Chương trình này được tiếp tục triển khai thực hiện, mong muốn các Chương trình được phép kéo dài thời gian thực hiện thay vì thu hồi...
"Chúng ra cần phải hành động thực chất hơn nữa để giải quyết được những bất cập, để chủ trương tốt đẹp này được đến với người dân, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân"- đại biểu nêu quan điểm.
Chia sẻ quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ chia sẻ và thông cảm sâu sắc đến cán bộ ở cấp dưới - nhất là cấp xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn được thụ hưởng cả 3 Chương trình vì phải đọc hiểu và vận dụng khá nhiều văn bản trong thực hiện.
Về việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng với sự quan tâm của Quốc hội, Nhà nước đã dành nguồn ngân sách rất lớn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng phải nhìn nhận lại câu chuyện về lồng ghép nguồn vốn cho phù hợp và toàn diện hơn. Trong đó, phải quan niệm rằng, vốn của chương trình chỉ là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt có mục tiêu tập trung vào những vấn đề có trọng tâm trọng điểm đang bức xúc cần thiết nhất. Do vậy, cần có khâu xây dựng kế hoạch, thiết kế chương trình phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, sự tham gia của người dân. Việc thiết kế không có sự trùng lặp về nội dung chính sách và không có thực trạng trên cùng địa bàn có cùng chương trình nhưng cách thức thực hiện khác nhau.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngoài đề xuất 7 nhóm chính sách về cơ chế đặc thù trong cần tiếp tục nghiên cứu và kiến nghị giải pháp để giải quyết căn cơ những hạn chế bất cập trong thời gian qua. Đại biểu mong rằng cơ chế phân cấp trao quyền cho địa phương thực chất hơn hiệu quả hơn rõ về nội dung và phương thức trong việc tổ chức triển khai thực hiện.