Có ý kiến cho rằng, xăng, dầu và điện là những mặt hàng đầu vào của sản xuất và phục vụ sinh hoạt của người dân, thị trường phản ứng khá nhạy cảm mỗi khi có thông tin điều chỉnh giá các mặt hàng này và việc giữ bí mật là để đảm bảo ổn định thị trường, hạn chế tác động đến giá nhiều mặt hàng khác.
Ở luồng ý kiến khác thì cho rằng, không nên đóng dấu mật với giá xăng, dầu, điện. Là cơ quan đại diện cho tiếng nói của DN, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Bộ Công Thương nên loại bỏ giá điện, xăng, dầu khỏi danh mục bí mật Nhà nước vì giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để các DN hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, rất nhiều DN có nhu cầu biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, giá điện từ phía Nhà nước.
Có thể nói, việc đưa các mặt hàng Nhà nước điều hành giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá.
Tuy nhiên, việc này không thuyết phục và không cần thiết bởi việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể, điện là sản phẩm tiêu dùng không có tồn kho, sản xuất và tiêu dùng đồng thời, nên khó có thể có tình trạng đầu cơ tích trữ. Do đó, giá điện cần phải thực hiện công khai theo Luật Giá, Luật Điện lực và không nên đóng dấu mật.
Với giá xăng, dầu, hiện cơ chế điều chỉnh và phương pháp tính giá mặt hàng này đã được quy định khá chi tiết tại Nghị định 83/2014. Dựa vào các quy định này, việc tiên đoán thời điểm điều chỉnh giá và mức giá tương đối dễ nên không cần thiết phải cho giá xăng vào danh mục bí mật.
Trên một số diễn đàn, rất nhiều ý kiến thắc mắc rằng điện đang là độc quyền của EVN, dù tăng ở mức nào thì người tiêu dùng cũng buộc phải chấp nhận mà không có lựa chọn. Vậy tại sao phải bí mật, dân có quyền giám sát, cần công khai minh bạch giá xăng, dầu, điện, nếu mà "mật" thì làm sao dân biết để dân bàn, dân kiểm tra?...
Thực tế, cả người dân và DN đều muốn công khai thông tin các mặt hàng thiết yếu và những văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân thì cơ quan Nhà nước nên cân nhắc kỹ trước khi đóng dấu mật.
Hàng hóa và giá cả cần được công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; không những vậy mà Bộ Công Thương còn phải có trách nhiệm thông báo cho DN trước khi chính thức áp dụng giá mới để DN không bị thụ động trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Tại các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ được yêu cầu làm rõ cơ sở tăng giá bán lẻ điện, xăng, dầu cũng như tác động từ những đợt điều chỉnh này tới chỉ số giá tiêu dùng. Việc công khai minh bạch của hai ngành này mới là vấn đề mà cơ quan chủ quản cần phải giải quyết và phải làm tận gốc vấn đề. Có như vậy, người dân mới cảm thấy tin tưởng, không còn bức xúc mỗi khi giá điện, giá xăng, dầu buộc phải điều chỉnh tăng.