Cân nhắc giữ mô hình chợ truyền thống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến Dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại (TTTM) Thành Công trên nền chợ dân sinh Thành Công B, nhiều hộ kinh doanh tại chợ đều có chung ý kiến, cải tạo, nâng cấp là điều cần thiết nhưng nên theo mô hình chợ truyền thống.

Thiếu thông tin

Trả câu hỏi vì sao lại phản ứng trước việc chủ đầu tư khoan thăm dò địa chất tại chợ, các hộ kinh doanh cho biết, nguyên nhân là do họ không nhận được bất cứ một thông báo nào về việc đầu tư cải tạo chợ. Ngay cả việc tổ chức một cuộc thăm dò để lấy ý kiến người dân cho việc khoan thăm dò có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hay không cũng không được tiến hành. Các hộ kinh doanh ở đây cũng bày tỏ lo lắng, nếu xây chợ thành TTTM rồi lại đưa chợ xuống hầm như chợ Hàng Da, Cửa Nam… sẽ gây khó khăn cho việc kinh doanh.

 
Tiểu thương kinh doanh tại chợ Thành Công chiều 16/10. Ảnh: Phạm Hùng
Tiểu thương kinh doanh tại chợ Thành Công chiều 16/10. Ảnh: Phạm Hùng
Việc xây dựng, cải tại chợ Thành Công B được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2008. Đến tháng 6/2014, UBND TP có ý kiến đồng ý sử dụng diện tích cống hóa mương T6A Thành Công để làm chợ tạm. Tuy nhiên, UBND TP cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của các hộ kinh doanh. Theo nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Thành Công B, ngày 13/10, Ban quản lý chợ đã họp đại diện các ngành hàng của chợ để thông báo những thông tin về Dự án xây dựng chợ - TTTM Thành Công. Tuy nhiên, buổi họp này đơn thuần chỉ là những thông báo bằng miệng về việc xây dựng TTTM trên nền chợ cũ và mọi hoạt động của tiểu thương sẽ chuyển về phố Nguyên Hồng. "Việc cải tạo lại chợ, người dân không phản đối, nhưng phải rõ ràng về phương án xây dựng chợ. Phương án xây dựng chợ như thế nào, chúng tôi vẫn chưa rõ, trong khi chủ trương của Nhà nước là phải có sự đồng thuận của người dân, việc không làm rõ thông tin phương án cải tạo chợ như thế nào thì người dân khó có thể đồng thuận" - bà Nguyễn Thị Kim Loan - một tiểu thương kinh doanh tại chợ nêu ý kiến.

Tiểu thương ủng hộ mô hình chợ truyền thống

Chợ Thành Công B được hình thành từ năm 1995 trên diện tích 4.500m2 thuộc làng Thành Công cũ, nay là phường Thành Công, quận Ba Đình. Hiện, chợ thu hút 500 tiểu thương buôn bán. Sau gần 20 năm tồn tại, cơ sở hạ tầng chợ đã xuống cấp, nhiều sạp bán hàng phải sử dụng ô dù che mưa, nắng. Ngoài ra, hệ thống thoát nước đã xuống cấp nên trong khuôn viên chợ luôn có nước chảy lênh láng, gây ẩm ướt, mất vệ sinh…

Chính vì thế, chủ trương xây dựng nâng cấp, cải tạo chợ Thành Công B của UBND TP Hà Nội được hầu hết các hộ kinh doanh ở đây đồng tình. Nhưng các hộ cũng có chung ý kiến, việc nâng cấp, cải tạo nên thực hiện theo mô hình chợ truyền thống. Chị Lan - đại diện ngành hàng quần áo nêu ý kiến: Báo chí đã đưa thông tin tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội ngày 23/9, đích thân bà Phó Giám đốc Sở Công Thương đã xác nhận UBND TP đã tạm dừng chuyển đổi chợ truyền thống sang mô hình chợ - TTTM. Bà Nguyễn Thị Phượng, đại diện cho 500 hộ kinh doanh tại chợ Thành Công B cũng cho rằng: Việc lãnh đạo TP cho tạm dừng mô hình chợ - TTTM là chủ trương đúng đắn khi một loạt chợ truyền thống trên địa bàn sau khi chuyển đổi đã bộc lộ sự bất cập, lãng phí và không đáp ứng được công năng chợ truyền thống. Bà Đặng Thị Bích Hằng - Trưởng Ban quản lý chợ Thành Công B cũng nêu ý kiến: Những ý kiến của các hộ kinh doanh về việc nên cải tạo chợ theo mô hình chợ truyền thống chứ không phải chợ - TTTM sẽ được Ban quản lý chợ báo cáo cấp trên để xem xét, giải quyết phù hợp.