Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc khi dùng... hàng giả!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Do đó, ông bà nào lớ rớ mà dây dưa vào việc buôn bán, tàng trữ hàng giả - tù như bỡn.

Thế nhưng trong cuộc sống, có những thứ hàng giả vẫn được sản xuất, sử dụng một cách công khai; răng và tóc là ví dụ vừa cụ thể, vừa sinh động. Đối với đám trẻ, thay đổi ngoại hình là nhu cầu thường xuyên. Vậy nên với “góc con người”, chúng thay đổi xoành xoạch. Nhưng người có tuổi, cực chẳng đã người ta mới phải “vận” đến hàng giả. Tuy nhiên trong không ít trường hợp do nhu cầu công việc, người ta cũng sẵn sàng “đập cái xịn”, chấp nhận dùng “hàng phếch”.

Từ trẻ, ông bạn cùng làng với tôi đã mang sẵn trong mình “gien”, tươi và hói của dòng họ. Ngoài 30 tuổi, tóc y đã rụng gần hết, đầu ngày một nhẵn như quả bưởi, và hàm răng thì chỉ phù hợp khi đi đám hỉ. Bẵng đi một thời gian, vừa rồi có dịp gặp nhau, Thái đã khiến tôi suýt không nhận ra. Hàm răng “tung tăng đi trước”, ngày xưa nay đã trật tự hẳn, cái đầu hói “quả bưởi” nay đã xanh mướt!

Sau chầu nhậu sương sương, Thái bật mí: Đến tuổi này, tôi cũng chẳng tự ti với bản thân, nhưng do công việc, đành phải thay đổi “chút ngoại thất” cho phù hợp. Mất gần 100 triệu, kể cũng xót, nhưng từ khi tân trang hàm răng mái tóc, tôi đã tự tin hơn mỗi khi gặp đối tác.

Nhìn sự thay đổi của y, ban đầu tôi có cảm giác hụt hẫng, bởi từ xưa nó vẫn được cả đám réo tên là Thái “hỏi vấu”, đùng một cái nó mất cả “hói lẫn vẩu”, giờ phải gọi nó bằng gì… Thế mới biết ngoài tác dụng làm đẹp, vài món hàng giả kia cũng đem lại cho tôi và đám bạn sự khôi hài, bối rối.

Mà cũng chẳng riêng gì Thái, ngày nay “trắng răng - xanh tóc”, là nhu cầu của không ít người. Ai có nhu cầu, điều kiện, xin cứ mặc nhiên. Nhưng nói đến răng và tóc giả, mà không nhắc đến vàng là một thiếu sót. Vàng mà tôi nói đến là những chiếc vòng, chiếc nhẫn có xuất xứ từ… chùa Hương!

Chỉ cần bỏ ra chưa đến trăm ngàn bạc, người ta đã sở hữu những nhẫn, lắc, dây chuyền đẹp long lanh. Khi đeo vào, bằng mắt thường thì đố ai phát hiện được đâu là thật, đâu là hàng mỹ ký. Ở chỗ tôi thời trước, vào ngày rằm, ngày lễ (để bằng chị, bằng em), không hiếm những bà, những cô vẫn đem hàng mỹ ký chùa Hương ra “diễn”.

Dù chỉ là nhẫn, lắc, dây chuyền, chùa Hương, xem ra vẫn “long lanh, hoành tráng” (đương nhiên, muôn đời vàng vẫn là vàng, thau chỉ là thau), và khiến người ta có cảm giác đỡ thua chị kém em…

Năm trước, làng có đám, mấy ngày chính lễ chị “đĩ” Thoa đem sợi dây chuyền chùa Hương ra “diễn”. Do có việc phải chạy lên phố, chị chàng chỉ kịp (thay lễ phục bằng thường phục) rồi phóng xe lên đường, quên luôn sợi giây chuyền vàng giả đang kè kè trên cổ.

Trước đó, trong mấy ngày lễ hội, sợi dây chuyền mỹ ký to đùng của chị “đĩ” Thoa đã “lọt vào tầm ngắm” của đám bất lương… Khi vừa đến quãng đồng vắng, hai thằng thanh niên bịt mặt, áp sát xe giật phăng sợi dây chuyền của chị “đĩ” Thoa.

Sợi dây thì không tiếc, nhưng cú ngã thị khá đau. Thậm chí khi biết giật phải vàng lởm, chúng còn vòng xe quay lại mắng “đĩ” Thoa thêm mấy câu, khiến chị chàng vừa nhục vừa tức. Từ sau chuyện bi hài của chị “đĩ” Thoa, không ai bảo ai, các bà các cô trong xóm tôi không đeo vàng giả nữa!