Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS.TS Phạm Tất Thắng:

Cân nhắc kỹ lợi ích xuất khẩu lương thực

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung đột Nga - Ukraine đã tác động mạnh mẽ đến biến động giá lương thực thế giới, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu lương thực của Việt Nam.

Cân nhắc kỹ lợi ích xuất khẩu lương thực - Ảnh 1

Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, mấu chốt là phải đi từ sản xuất nông nghiệp bền vững để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa đáp ứng các mục tiêu xuất khẩu lương thực.

Nhiều tác động từ xung đột Nga - Ukraine

Ông có đánh giá như thế nào về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu lương thực nói riêng trong 4 tháng đầu năm 2022?

- Như chúng ta đã biết, qua các đợt đại dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng đứt gãy nghiêm trọng. Và chính việc bị đứt gãy nghiêm trọng đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động xuất, nhập khẩu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Điều đáng mừng là “bức tranh” xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều khởi sắc khi trong tháng 1 và 2 nhập siêu, song đến tháng 3 và 4 thì chúng ta lấy lại phong độ khi xuất siêu trở lại.

Một yếu tố không thể không nhắc tới đó là, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tác động mạnh mẽ đến các nước sản xuất, xuất khẩu lớn lương thực và thực phẩm. Nếu như cuộc xung đột này tiếp tục kéo dài, nó sẽ làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng cung cấp lương thực và giá cả chắc chắn không tránh khỏi bị biến động.

Điều tôi muốn lưu ý ở đây là không phải chỉ có lương thực, mà mặt hàng phân bón cũng đang chịu sự biến động về giá cả rất lớn bởi cuộc xung đột này. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi Ukraine là một quốc gia xuất khẩu phân bón với sản lượng lớn, do đó khi cuộc xung đột xảy ra tất yếu làm cho chuỗi cung ứng phân bón trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng. Và chính điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu lương thực của Việt Nam.

Cụ thể những tác động đó là gì, thưa ông?

- Một là, tác động khiến giá lương thực, thực phẩm theo chiều hướng tăng và sẽ tiếp tục tăng cả trong năm 2022. Như vậy, đứng về phía nhà xuất khẩu thì Việt Nam sẽ có lợi nhưng đứng về phía nhà nhập khẩu xét về các yếu tố đầu vào cho sản xuất lương thực, thực phẩm thì Việt Nam lại bất lợi.

Thứ hai, nhu cầu lương thực, thực phẩm của thế giới đối với những mặt hàng Việt Nam đang rất là lớn, đây cũng là cơ hội để cho chúng ta xuất khẩu, đem lại lợi ích cho đất nước. Tuy nhiên, chúng ta phải tính toán một cách kỹ lưỡng về an ninh lương thực trong điều kiện hiện nay, làm sao để luôn đảm bảo sự cân bằng vừa giữ an ninh lương thực quốc gia vừa tăng giá trị xuất khẩu lương thực, thực phẩm.

Thứ ba, có lẽ cuộc xung đột nào rồi cũng đi đến kết thúc. Và khi kết thúc thì vấn đề chúng ta cần có là sự nhìn nhận, đánh giá dài hơi để xây dựng chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cũng như phân bón, vật tư nông nghiệp sao cho phù hợp, tránh rơi vào tình trạng bất lợi và bị động.

An ninh lương thực quốc gia phải đặt lên hàng đầu

Lại nói về giá phân bón, vật tư nông nghiệp đầu vào đang tăng “phi mã” đã gây nhiều khó khăn cho nông dân cũng như sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Theo ông đâu là giải pháp để duy trì sản xuất mà vẫn đảm bảo cho nhu cầu lương thực trong nước và đáp ứng mục tiêu xuất khẩu?

- Đây là bài toán khó đòi hỏi Việt Nam phải cân nhắc ở nhiều mặt. Ở đây có thể thấy rằng, một mặt chúng ta tận dụng giá lương thực đang tăng cao, một mặt phải hạn chế ảnh hưởng của giá vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) đến sản xuất lương thực. Tôi muốn nhắc lại đây là bài toán khó ở tầm quốc gia, và yêu cầu về việc tính toán đảm bảo an ninh lương thực quốc gia song song với đáp ứng xuất khẩu vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu hết sức quan trọng.

Cũng cần phải khuyến cáo thêm, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đạt khoảng 104 triệu người vào năm 2030. Khi dân số tăng lên nhu cầu lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng (số lượng lương thực tăng thêm khoảng 2 triệu tấn). Do vậy, việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cần được đặt trong bối cảnh mới có tác động đa chiều tới vấn đề này.

Vậy, giải pháp căn cơ, lâu dài là gì thưa ông?

- Đó phải đi theo hướng là sản xuất nông nghiệp bền vững. Chúng ta phải làm thế nào để phát triển nông nghiệp, trong đó bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, giá trị cao. Nếu làm được điều này thì chúng ta sẽ tận dụng được nhiều cơ hội trong mọi bối cảnh thị trường thế giới biến động.

Sản xuất bền vững đi đôi với tận dụng các FTA

Mặc dù Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp nhưng hàng năm chúng ta vẫn mất nhiều chi phí cho nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đơn cử như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi (đậu tương, ngô… ). Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi đây là vấn đề cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Có thể thấy, nếu chúng ta xuất khẩu lúa gạo với giá cao nhưng lại phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cùng với giá cao thì hiệu quả rõ ràng không được tốt.

Do đó, cần thiết phải điều chỉnh bằng các giải pháp cụ thể: Thứ nhất, về mặt nhập khẩu, chúng ta sẽ lựa chọn nhập khẩu thị trường có giá cả thấp, như Mỹ chẳng hạn. Thứ hai, cần phải có sự phát triển của một nền kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế tuần hoàn là xu thế của thị trường, nó đòi hỏi chúng ta cần phải tận dụng cơ hội đó đem lại những lợi ích.

Đơn cử như phế, phụ phẩm của khâu sản xuất sẽ là nguyên liệu của khâu sản xuất khác. Hay nói cách là Việt Nam phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong nông nghiệp để đảm bảo cho hoạt động xuất, nhập khẩu ngày càng mang lại nhiều lợi ích và lợi ích lâu dài cho đất nước.

Riêng đối với mặt hàng phân bón tác động rất lớn tới sản xuất nông nghiệp trong nước. Ở góc độ là chuyên gia tư vấn chính sách chiến lược của Bộ Công Thương, theo ông giải pháp cân đối giữa xuất - nhập khẩu phân bón của nước ta như thế nào là hợp lý?

- Quan hệ giữa xuất khẩu và nhập khẩu luôn gắn bó với nhau không rời, nó mở ra khả năng cho xuất khẩu nhưng đồng thời nó cũng mở ra khả năng và khó khăn cho việc nhập khẩu. Do vậy, chúng ta cần phải tận dụng được cơ hội này.

Trước hết là thực hiện được thỏa thuận với các quốc gia đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các cam kết để chúng ta tận dụng cơ hội thuận lợi cho sản xuất các nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón, đặc biệt là phân bón hữu cơ. Hơn nữa, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về vấn đề Việt Nam là có nguồn nhiên, nguyên liệu rất là thuận lợi để tận dụng sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón sạch. Đây cũng là cơ hội mà chúng ta cần phải tận dụng, bởi từ trước tới nay, Việt Nam chưa tận dụng được nguồn lợi này.

Ông có khuyến nghị gì đối với DN Việt Nam trong việc tận dụng lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong năm 2022 này?

- Đối với các FTA Việt Nam đã ký kết và thực thi, nhất là các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, ATIGA… đã và đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho DN Việt Nam trong việc xuất khẩu, trong đó có nhóm mặt hàng lương thực là thế mạnh. Các FTA này cũng mở ra khả năng cho Việt Nam nhập khẩu được nhiều mặt hàng ưu đãi từ các nước bạn (đã ký kết FTA) cũng như những lợi ích chúng ta nhận được do đầu tư, do tiếp thu được khoa học công nghệ tiên tiến và giải quyết được vấn đề thị trường.

Thẳng thắn mà nói, chúng ta đã tận dụng tương đối tốt FTA với tư cách là thị trường để xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia đã ký kết. Nhưng khả năng đem lại lợi ích do đầu tư, do khoa học công nghệ thì Việt Nam chưa tận dụng được nhiều. Do đó, ở cái khâu này chúng ta cần phải chú trọng hơn nữa để có được các lợi ích đem lại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

"Bên cạnh tác động từ biến đổi khí hậu thì trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập, Việt Nam cũng cần cân nhắc, điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu lương thực từ quy mô đến chất lượng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, DN để vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa hài hòa lợi ích giữa các bên." - PGS.TS Phạm Tất Thắng