Cân nhắc kỹ trước khi chọn trường, chọn nghề

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (4/3), trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh đại học cho học sinh (HS) khối 12 năm học 2017 – 2018.

Tới dự có PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), TS Phạm Mạnh Hà – Phó Trưởng an khoa công tác thanh niên (Học viện thiếu niên Việt Nam) và các bậc phụ huynh HS khối 12.

Tại buổi tư vấn hướng nghiệp, khá nhiều câu hỏi, những băn khoăn, thắc mắc của HS cũng như phụ huynh đặt ra đã được các chuyên gia tháo gỡ và tư vấn rất rõ ràng.
 Toàn cảnh buổi tư vấn tuyển sinh tại trường THPT Yên Hòa
“Nếu ngay bây giờ cô hỏi: “Con thích nghề gì?”, "Tại sao con thích nghề đó” thì cô tin rằng không ít bạn sẽ lúng túng. Hạn chế ấy của các con có trách nhiệm của nhà trường là chưa làm tốt công tác hướng nghiệp. Dù muộn nhưng chưa phải là chấm hết, các con có thể hoàn toàn khắc phục được trong mùa chọn nghề, chọn trường này. Bản thân cô đã không ít lần tâm sự, chia sẻ với các con là hãy ước mơ và khát vọng. Bởi khi các con biết ước mơ và khát vọng là khi đó con hiểu mình mong muốn làm nghề gì để từ đó có kế hoạch đạt được ước mơ và thực hiện khát vọng đó”… Đó là những lời động viên, chia sẻ của Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp (Cầu Giấy – Hà Nội) trong buổi tư vấn hướng nghiệp cho HS do trường tổ chức.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp nhấn mạnh, tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho HS là điều vô cùng cần thiết và hết sức quan trọng. Bởi thực tế, nhất là khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN thì người lao động Việt Nam phải cạnh tranh từng vị trí việc làm với đội ngũ nhân lực đến từ các nước có trình độ tay nghề cao, trình độ tiếng Anh, tin học thành thạo. Trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh quyết liệt ấy, việc lựa chọn nghề mình thích là chưa đủ, mà còn cần phải cân nhắc năng lực học tập của bản thân có đủ để trúng tuyển và đủ điều kiện theo học ngành nghề đó không; nhu cầu của thị trường nhân lực thời điểm tốt nghiệp là điều không thể bỏ qua…

“Chọn nghề cần tính tới yếu tố đam mê, lòng ham thích bởi đó là động lực để vượt khó, vươn lên. Ngay cả khi chọn nghề đúng nhưng nếu như không ngừng tự hoàn thiện từ năng lực chuyên môn đến kỹ năng mềm để đáp ứng nhu cầu công việc trong tương lai thì cũng khó có được một nghề tốt. Bởi vậy, chính các con HS là người quyết định số phận của mình. Nếu chưa từng nghĩ đến điều đó thì mỗi con hãy nghĩ và hành động ngay từ hôm nay để quyết định cuộc sống của mình trong tương lai” – cô Nhiếp lưu ý HS.

Bên cạnh sự chỉ bảo, hướng dẫn HS cách lựa chọn môn thi, khối thi, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp cũng bày tỏ quan điểm và có những chia sẻ cùng các bậc phụ huynh xung quanh việc giúp con chọn nghề, chọn trường. “Chúng ta đã làm gì cho con khi hướng nghiệp? Tôi biết, việc này đang cần không kém gì việc các bác thắt lưng buộc bụng nuôi dạy con từng ngày. Không ai hiểu và yêu con bằng cha mẹ, nhưng cũng cần yêu con đúng cách. Đó là hãy lắng nghe, tôn trọng ý kiến của con, để con có một tương lai, một cuộc sống gắn bó với công việc yêu thích. Được thế các con sẽ phát huy sở trường, giúp con có khả năng gặt hái thành công với một việc làm phù hợp với khả năng, sở thích là yếu tố quan trọng để giúp các con đi tới thành công” – cô Nhiếp chia sẻ.