Đây cũng là những vấn đề gây nhiều tranh cãi khi Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến, bởi các góc nhìn khác nhau.
Cùng đề xuất giảm giờ làm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiến hành khảo sát qua mạng và có tới 80% người lao động chọn phương án giảm. Nhiều lý giải cũng được đưa ra rằng, nếu giảm giờ làm, mức lương thưởng vẫn được giữ nguyên sẽ giúp người lao động có thêm thời gian dành cho gia đình, tái tạo sức khỏe.
Đây cũng là hướng đi được đánh giá phù hợp với xu hướng hiện đại của quốc tế khi tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, trình độ quản lý của DN ngày càng tốt lên, trình độ lao động cũng tăng, việc “tăng lương, giảm giờ làm” là cần thiết.
Hơn nữa, cơ quan Nhà nước được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, phía DN cũng nên cho cán bộ, công nhân viên được nghỉ nhằm hướng tới bình đẳng giữa các khu vực lao động và tạo dư địa mở rộng khung làm thêm giờ cho một số ngành nghề, lĩnh vực có nhu cầu.
Từ nhiều khảo sát, nghiên cứu từ các nước cũng chỉ ra việc lao động được nghỉ ngơi đủ, sẽ hứng thú hơn với công việc, năng suất lao động cũng tăng. Ở góc độ ngược lại, các ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này cũng đưa ra những lo lắng về việc giảm giờ làm sẽ tạo gánh nặng cho DN, giảm sức hút đầu tư…
Những phân tích đó đưa ra cũng không phải không có lý dựa trên quan điểm của mỗi bên. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý là hiện nay nước có năng suất lao động càng cao, số giờ làm việc của người lao động càng thấp và ngược lại, cho nên giữ nguyên hay giảm giờ làm đều phải tăng được năng suất lao động của Việt Nam.
Thực tế thời gian qua cho thấy, dù tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm nhưng năng suất lao động vẫn là một điểm yếu của nước ta khi so sánh với nhiều nước trong khu vực. Năm 2018 năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/30 lần Singapore, 29% năng suất lao động của Thái Lan, 13% năng suất lao động của Malaysia, 44% năng suất lao động của Philippines.
Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để lý giải, trong đó có việc tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó vẫn rất cao. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động cần sớm được tháo gỡ.
Và câu hỏi liệu người lao động có được hưởng lợi nếu giảm số giờ làm việc mỗi tuần cũng đã được đặt ra nếu tính lương trên yếu tố hiệu quả công việc. Bởi như một ý kiến đã phân tích, nếu trước đây, DN cần 60 giờ/tuần/lao động để tạo ra 1.000 sản phẩm, giờ người lao động chỉ cần 44 giờ/tuần mà vẫn đảm bảo năng suất trên, họ vẫn được mức lương bằng với làm 60 giờ. Lợi ích là nhãn tiền.
Nhưng nếu không đảm bảo năng suất ấy, thu nhập của người lao động không đủ sống, mà yêu cầu DN phải trả thêm là không khả thi. Đó cũng là vấn đề cần suy ngẫm đến bởi số giờ làm việc còn phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế, xã hội, năng suất lao động, bên cạnh các yếu tố khác như sức khỏe, điều kiện lao động, môi trường...
Do đó, việc thay đổi giờ làm việc, nếu cần, phải dựa trên các căn cứ khoa học đa ngành, để hài hòa lợi ích các bên, thực sự mang lại hiệu quả là tăng năng suất lao động, tăng thu nhập. Đây là một vấn đề phức tạp, rất cần nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ để làm căn cứ quyết định quy định cụ thể.