Cân nhắc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó đề xuất 2 phương án tuổi nghỉ hưu: Phương án 1, giữ nguyên quy định hiện hành; phương án 2, tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 1/1/2021.

Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH nghiêng về phương án 2. Theo đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ theo lộ trình, từ 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Theo lý giải của Bộ LĐTB&XH, quy định về tuổi nghỉ hưu của Việt Nam từ năm 1961 đến nay không thay đổi, trong khi tuổi thọ của người dân ngày càng tăng, cùng với đó là điều kiện làm việc của người lao động (NLĐ) ngày càng được cải thiện. Trên thực tế, rất nhiều NLĐ sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc; hoặc tiếp tục ký hợp đồng lao động với chính cơ quan, đơn vị cũ; hoặc làm cho một tổ chức, cá nhân khác. Ngoài ra, một nghiên cứu của Viện Y học Lao động Phần Lan (FIOSH) về chỉ số khả năng làm việc (WAI) với điều kiện Việt Nam cho thấy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là hoàn toàn khả thi. Cụ thể, có tới 60% người trong độ tuổi 60 - 69 đang làm việc. Nếu mỗi năm có khoảng 120.000 lao động nghỉ hưu, thì sẽ có khoảng 48.000 người lao động tiếp tục làm việc.
Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng, nếu áp dụng phương án 2, sẽ mất 10 năm để tuổi nghỉ hưu của nữ ở tuổi 60 và 4 năm để tuổi nghỉ hưu của nam ở tuổi 62. Đây được xem là giải pháp điều chỉnh dần, không gây sốc cho NLĐ. Khi độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tương đương, tạo quyền bình đẳng trong xã hội. Bởi tuổi thọ phụ nữ hiện còn cao hơn nam giới, hơn nữa, trong các quy định về tiêu chuẩn lao động quốc tế không phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Đồng quan điểm, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề. Trước hết, bảo đảm cân đối quỹ hưu trí, tử tuất. Với chính sách đóng và hưởng BHXH như hiện nay, quỹ hưu trí, tử tuất sẽ mất cân đối vào năm 2023, có khả năng không còn kết dư vào năm 2034. Tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc tăng thời gian đóng, giảm thời gian hưởng BHXH của NLĐ, từ đó quỹ hưu trí, tử tuất sẽ từng bước được cải thiện. Tăng tuổi nghỉ hưu còn là giải pháp chủ động đón nhận xu hướng già hóa dân số. Dự báo trong tương lai gần, trung bình mỗi năm nước ta có 10% dân số hết tuổi lao động. Bước vào thời kỳ dân số già, tất yếu sẽ thiếu nguồn lực lao động trẻ nên không thể không tính đến phương án kéo dài thời gian làm việc của NLĐ. Hơn nữa, tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, theo ông Quảng việc tăng tuổi nghỉ hưu cần thận trọng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt. “Đối với lao động trực tiếp, lao động trong các khu vực độc hại, lao động mang tính đặc thù, tuổi nghỉ hưu nên được giữ nguyên, thậm chí, với một số ngành, nghề có thể giảm. Nói chung, xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với từng đối tượng, từ đó đề ra lộ trình tăng thích hợp” - ông Quảng nhấn mạnh.