Cân nhắc thuế tài sản

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh các loại thuế, phí chuyển nhượng nhà đất, từ năm 2017, người sở hữu từ 2 bất động sản trở lên có thể sẽ phải đóng thuế theo quy định của Luật Thuế tài sản, một loại thuế trực thu, đánh vào những người sở hữu nhiều tài sản và có tài sản lớn.

Đây không phải là lần đầu tiên sắc thuế này được đề cập đến. Hơn 6 năm, nó đã được đưa ra với tên gọi Thuế nhà ở, nằm trong Luật Thuế nhà đất. Song tại thời điểm đó, đề xuất này không được Quốc hội thông qua. Và lần này, khi đưa ra vẫn tiếp tục có không ít ý kiến khác nhau.
Về cơ bản, sắc thuế này nhằm đánh trên những người mua nhiều bất động sản, mua không phải để ở mà để đầu tư. Nhìn góc độ này, việc đánh thuế được coi là một trong những biện pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa nạn đầu cơ trên thị trường bất động sản. Bởi hiện nay, thuế đất là 0,03% bảng giá Nhà nước, lũy tiến cao nhất là 0,15%, được xem là quá thấp. Việc đánh thuế đất quá thấp và chậm trễ đánh thuế nhà đang đi ngược với cách làm mà nhiều nước trên thế giới thực hiện. Ở các nước, nguồn thu từ thuế tài sản rất lớn, với thuế nhà từ mức 1 - 1,5% được áp theo giá thị trường, là nguồn chủ yếu để phát triển hạ tầng và nâng cấp đô thị. Trong khi nguồn lực ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, việc áp dụng sắc thuế này vừa đảm bảo tăng thu cho ngân sách, vừa góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí nhà ở bởi khi bị đánh thuế, bắt buộc chủ đầu tư phải tính toán cụ thể, không còn để những dự án bỏ hoang như hiện nay. Và nhìn sâu xa hơn, sắc thuế trên sẽ khiến tài sản sẽ đăng ký công khai hơn. Nhiều người sẽ lộ các khối bất động sản ngầm giấu kín lâu nay. Ngay cả việc nhờ người khác đứng tên cũng sẽ phức tạp vì nó gắn liền với nghĩa vụ và lịch sử tài sản của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, vẫn lại là tuy nhiên như hơn 6 năm trước đã đặt ra, đó là sự công bằng và tính khả thi của sắc thuế này rất cần được làm rõ. Điều này xuất phát từ thực tế hệ thống dữ liệu lưu trữ đất đai hiện nay hầu như chưa có, không có sự liên thông, nên để xác định một người có 2 - 3 căn nhà là không dễ. Ở góc độ người dân, nếu không xem xét cụ thể, sắc thuế này lại khiến tăng thêm gánh nặng. Nguyên nhân là bởi không ít người mua, đầu tư thêm căn nhà thứ 2, 3 đa phần là nguồn tiền đã chịu thuế. Đó là chưa kể ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn, thậm chí lớn hơn giá trị xây dựng của nhiều loại nhà như ô tô, máy bay, tàu thủy, du thuyền... Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế.
Có thể thấy, sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường là việc nên làm. Tuy nhiên cần hết sức cân nhắc khi sử dụng sắc thuế trực thu này, bởi thông thường loại thuế này chỉ giải quyết tình trạng đầu cơ trong nhà đất, nhưng nó có thể khiến thị trường bất động sản vừa khởi sắc chuyển nguội lạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần