Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc tính hợp lý của Điều 292 Bộ luật Hình sự

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh việc thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS), vẫn còn có những ý kiến trái chiều, trong đó, Hội đồng thẩm định đang cân nhắc tính hợp lý của quy định tại Điều 292 BLHS 2015.

Không sửa đổi các chính sách lớn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1720/QĐ-BTP thành lập Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. Hội đồng do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu làm Chủ tịch. Thành viên Hội đồng gồm các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật hình sự, các nhà quản lý đại diện cho các cơ quan, tổ chức liên quan.
Cân nhắc tính hợp lý của Điều 292 Bộ luật Hình sự - Ảnh 1
Mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Hội đồng để thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. Với phạm vi của một dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và với thời gian hạn hẹp phải bảo đảm tiến độ trình Quốc hội dự án Luật này vào kỳ họp thứ hai (tháng 10/2016), Hội đồng thẩm định nhất trí với quan điểm là dự thảo Luật chủ yếu tập trung sửa đổi, bổ sung những điều khoản của BLHS có lỗi kỹ thuật không thể giải thích hoặc thống nhất hướng dẫn và nếu không sửa sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng thống nhất pháp luật. Đồng thời, không sửa đổi các chính sách lớn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, không ảnh hưởng đến các luật khác đang lùi hiệu lực thi hành theo Nghị quyết số 144/2016/QH13.

Ngoài ra, nội dung của BLHS có liên quan mật thiết với các Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có trên 40 điều viện dẫn các điều khoản của BLHS 2015; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự có trên 50 điều viện dẫn các điều khoản của BLHS 2015), nên với phạm vi sửa đổi, bổ sung như trên sẽ bảo đảm việc sửa đổi BLHS không làm ảnh hưởng đến việc thi hành các Luật đang lùi hiệu lực cùng BLHS.

Về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 BLHS, đa số ý kiến của thành viên Hội đồng cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, nên đề nghị giữ nguyên Điều 12 như BLHS 2015, chỉ sửa đổi lỗi kỹ thuật là bỏ quy định dẫn chiếu Điều 285 tại điểm đ khoản 2 Điều 12 để đảm bảo tính thống nhất về chính sách giữa Phần chung và Phần các tội phạm trong BLHS.

Đồng thời, Hội đồng cũng nhất trí với việc bổ sung chất XLR-11 (gọi là cỏ Mỹ) và lá KHAT - các chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện ở nước ta vào BLHS để có cơ sở xử lý, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Cân nhắc tính hợp lý của quy định tại Điều 292

Mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ Điều 292 của BLHS 2015 vì lo ngại nhiều hệ luỵ đối với quan hệ kinh tế. Tổ chức này cũng đề nghị phi hình sự hóa các hành vi cung cấp dịch vụ không đúng giấy phép đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trung gian thanh toán và các dịch vụ khác, bao gồm trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông.

Về việc sửa đổi Điều 292 về kinh doanh trái phép qua mạng, Hội đồng thẩm định vẫn còn hai loại ý kiến. Đa số ý kiến thành viên nhất trí với việc sửa đổi Điều 292 theo hướng thu hẹp phạm vi xử lý hình sự về tội danh này. Cụ thể: (i) thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự bằng cách nâng cao mức định lượng thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; (ii) bỏ dấu hiệu định lượng doanh thu tại các cấu thành định tội và định khung tăng nặng để đảm bảo tính thống nhất của BLHS không xem xét xử lý dựa trên dấu hiệu doanh thu của cá nhân, tổ chức; (iii) bỏ điểm e khoản 1 Điều 292 để giới hạn phạm vi áp dụng của điều luật.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc tính hợp lý của quy định tại Điều 292 vì BLHS 2015 đã bỏ tội kinh doanh trái phép so với BLHS 1999. Do vậy, theo Điều 292 của BLHS 2015 thì cùng một hành vi kinh doanh các lĩnh vực nêu tại Điều này, nếu tiến hành trên mạng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu tiến hành ngoài đời thực thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là bất hợp lý.

Theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc hội, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2. Dự kiến, tại Phiên họp thường kỳ tháng 8/2016, Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật này.