Cân nhắc việc rút ngắn thời gian đào tạo y khoa

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hai ngày 26 - 27/8, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường y, dược Việt Nam để xem xét những điểm mới về Khung giáo dục quốc dân trong lĩnh vực y tế.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ việc rút ngắn đào tạo y khoa và vấn đề tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề cấp quốc gia.

Rút thời gian đào tạo từ 6 năm xuống 5 năm

Theo đề xuất của Cục Khoa học công nghệ đào tạo (Bộ Y tế), thời gian đào tạo Đại học Y, dược sẽ phân thành 2 loại: Loại 1 sẽ kéo dài 4 năm đối với các ngành điều dưỡng, y tế công cộng, kỹ thuật y học và các hệ cử nhân khác. Loại 2 là ngành y khoa, răng hàm mặt và dược sẽ có thời gian đào tạo là 5 năm (tối thiểu là 150 tín chỉ) tương đương trình độ bậc 7 trong Khung trình độ quốc gia (tương đương thạc sĩ). Ngành y học cổ truyền và y học dự phòng sẽ không đào tạo thành mã ngành riêng như hiện nay nữa. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến của thành viên hội đồng các trường y, dược Việt Nam đều cho rằng, không nên rút thời gian đào tạo các trường y và thậm chí kể cả dược xuống 5 năm, mà nên giữ thời gian 6 năm. Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Hải Phòng Phạm Văn Thức nhận định, hiện nay các trường đang đào tạo y đa khoa 6 năm, các nước cũng đều đào tạo 6 năm. Do đó, nếu Việt Nam lại rút xuống 5 năm thì sẽ khó hội nhập.

Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh:  Nguyễn Trung

Cùng quan điểm này, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh cho rằng, cần giữ thời gian đào tạo y khoa là 6 năm, bởi lẽ, trong bối cảnh đào tạo đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn một số nội dung bắt buộc không thể bỏ đi được mà lại cắt giảm thời gian đào tạo thì không ổn. Chứng minh đề xuất của Cục là hợp lý, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi phân tích, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 đã quy định thời gian đào tạo đại học là từ 3 - 5 năm. “Không nên tiếp cận theo cách thời gian đào tạo Đại học Y, dược là bao lâu mà phải tiếp cận theo hướng, để trở thành bác sĩ thì phải học bao lâu. Theo đó, thời gian để một người trở thành bác sĩ theo đề xuất mới vẫn phải mất 8 năm trong khi hiện tại mất khoảng 7,5 năm” – ông Lợi nhấn mạnh.

Cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn

Bên cạnh việc xem xét về thời gian đào tạo nhân lực ngành y, tại hội nghị lần này, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề thành lập Hội đồng y khoa cấp quốc gia để tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, sinh viên y khoa sau khi học 6 năm trong trường, thực hành 18 tháng trong bệnh viện sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị vĩnh viễn. Tuy nhiên, theo đề xuất mới, sinh viên sau khi đào tạo trong trường phải trải qua cuộc thi cấp quốc gia do Hội đồng y khoa quốc gia tổ chức để được cấp chứng chỉ hành nghề, có giá trị trong vòng 5 năm. Trước vấn đề này, nhiều đại biểu lo lắng, hiện các trường đều chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, tiến tới sẽ bỏ kỳ thi tốt nghiệp, vậy nếu có thêm một kỳ thi quốc gia ngay sau tốt nghiệp thì liệu có giống một kỳ thi tốt nghiệp khác và sẽ tạo ra thêm thủ tục cho sinh viên. Thậm chí, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội lo ngại, hiện nay chúng ta có rất nhiều hệ đào tạo từ liên thông, chuyên tu, cử tuyển, giả sử có tới 50% bác sĩ tốt nghiệp của một trường nào đó không qua được kỳ sát hạch này thì sẽ rất khó giải quyết.

Theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, chứng chỉ hành nghề là điều kiện tối thiểu phải đạt được trước khi một bác sĩ sau khi tốt nghiệp được khám bệnh. "Quan điểm của Bộ Y tế là đảm bảo an toàn cho người bệnh. Trước đây chúng ta chỉ tập trung để tạo ra số lượng, bây giờ chúng ta phải tập trung cho chất lượng dù điều này sẽ rất khó khăn" - ông Cường khẳng định.

Trước đó, tại một Hội nghị về đào tạo nhân lực cho ngành y, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, dù đi theo chiều hướng nào thì đào tạo nguồn lực y tế cần phải chú trọng đến cả chất lượng và số lượng.