Cần nhân rộng thêm các văn phòng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, có mật độ dân cư đông và các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra sôi động, việc thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) trên địa bàn Thủ đô có ý nghĩa quan trọng tới kết quả thí điểm chế định TPL trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, cần phải có sự hỗ trợ từ cả chính sách và người dân, tiếp tục nhân rộng để đánh giá sâu sắc cũng như để chế định này thực sự phát huy thế mạnh. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại TP Hà Nội về vấn đề này.

Cần nhân rộng thêm các văn phòng - Ảnh 1Bà có thể cho biết, sau gần 2 năm triển khai thí điểm chế định TPL trên địa bàn TP Hà Nội, kết quả hoạt động của các văn phòng TPL có gì nổi bật?

- Các văn phòng TPL đi vào hoạt động chính thức từ khoảng tháng 4/2014 gồm có 5 văn phòng: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hà Nội và quận Hà Đông. Tháng 10/2014, UBND TP cho phép thành lập thêm 3 văn phòng TPL theo đề án đã được Bộ Tư pháp phê duyệt. Sau gần 2 năm thực hiện thí điểm chế định TPL, tổ chức hoạt động của các văn phòng TPL đã dần đi vào ổn định và đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu cho thấy sự cần thiết của TPL đối với đời sống xã hội. Thông qua kết quả thực hiện của các văn phòng TPL, có thể thấy hiện nay có 2 trong 4 loại việc mà TPL đang thực hiện là lập vi bằng và tống đạt các văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án (THA) đã mang lại hiệu quả đáng kể đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.

Vậy, những thuận lợi và khó khăn của Hà Nội trong việc triển khai thí điểm chế định TPL là gì, thưa bà?

-Trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL, TP Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Thành ủy; cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan như: Tòa án, THA dân sự, VKSND, Công an TP trong triển khai Đề án, phối hợp kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc...

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn. Về thể chế, các quy định của pháp luật về TPL hiện nay còn thiếu, chưa cụ thể nên trong quá trình triển khai thực hiện chế định này vẫn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, về nhận thức, chế định TPL vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân, người dân chưa quen với loại hình dịch vụ này nên còn tâm lý e ngại, chưa thật tin tưởng đối với một số việc do TPL thực hiện; nhận thức của các cơ quan hữu quan về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của TPL cũng chưa thật rõ ràng, đầy đủ và còn thiếu sự thống nhất dẫn đến việc triển khai một số công việc để thực hiện thí điểm chế định TPL chưa được thông suốt, đồng bộ. Điều này dẫn đến kết quả hoạt động của các văn phòng TPL vấp phải nhiều khó khăn. Việc xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA còn chưa mang lại hiệu quả cao, số lượng công việc còn hạn chế...

Trong số 4 việc TPL được làm thì việc xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA đạt kết quả chưa cao. Nguyên nhân do đâu?

- Trong 4 loại việc TPL được làm thì hiện nay, việc xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA là 2 loại việc chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là thời gian thí điểm ngắn, các tổ chức và cá nhân chưa hiểu rõ về TPL nên tâm lý còn e ngại, chưa đặt niềm tin vào các văn phòng TPL. Mặt khác, do các văn phòng TPL và các TPL mới làm quen với loại hình này nên từ công tác triển khai thực hiện các công việc đến việc chủ động tuyên truyền để người dân hiểu và đặt niềm tin đối với TPL trong việc xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA còn chưa sâu sát, chưa tốt nên loại việc này còn chưa đạt kết quả cao.

Việc mở rộng thí điểm chế định TPL ở Hà Nội được thực hiện trong khoảng gần 2 năm. Nhưng văn phòng TPL đầu tiên ở Hà Nội mới khai trương và đi vào hoạt động từ tháng 4/2014. Với thời gian hoạt động ngắn như vậy, liệu có đánh giá chính xác kết quả triển khai thí điểm chế định này trên địa bàn TP hay không?

- Căn cứ vào Nghị quyết 36/2012/QH13 của Quốc hội, chế định TPL được thực hiện thí điểm tại địa bàn 13 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Hà Nội có 8 văn phòng theo Đề án được Bộ Tư pháp phê duyệt (5 văn phòng đi vào hoạt động được 1,5 năm và 3 văn phòng tiếp theo đi vào hoạt động được 10 tháng). Việc thực hiện thí điểm tại TP trong thời gian ngắn và ở diện hẹp chưa đảm bảo việc đánh giá chính xác kết quả việc triển khai thực hiện thí điểm chế định này trên địa bàn TP. Nhà nước cần hoàn thiện về mặt thể chế và tiếp tục cho thực hiện mở rộng trên nhiều tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khác. Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã thì cần tiếp tục nhân rộng thêm các văn phòng TPL để có được đánh giá sát thực về tác động kinh tế - xã hội của việc thực hiện thí điểm chế định TPL.

Xin cảm ơn bà!