Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần nhanh chóng di dời bến xe Lương Yên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bến xe Lương Yên nằm trên đường Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng vốn là một bến tạm.

Trong suốt 12 năm tồn tại, cái được thì ít, cái mất thì nhiều, người dân khu vực cho rằng đã đến lúc phải di dời bến tạm này ra khỏi nội thành Hà Nội.

"Điểm đen" giao thông và an ninh, trật tự

Lô đất số 3 Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng) vốn là một nhà máy xay xát lương thực rộng khoảng 10.000m2, do ô nhiễm, ồn ào nên bị buộc dừng hoạt động năm 2004. Nhằm giải quyết tình trạng lao động dôi dư và tận dụng quỹ đất trống, Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên (nay là Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên) đã xin UBND TP Hà Nội cho chuyển đổi khu đất này thành bến xe khách tạm. Từ đó tới nay, suốt 12 năm tồn tại và hoạt động, bến xe Lương Yên luôn khiến chính quyền địa phương “đau đầu” với những hệ lụy phức tạp.
Taxi dừng đỗ tùy tiện trước cửa bến xe Lương Yên, gây cản trở giao thông. Ảnh: Ngọc Hải
Taxi dừng đỗ tùy tiện trước cửa bến xe Lương Yên, gây cản trở giao thông. Ảnh: Ngọc Hải
Ông Nguyễn Việt Hà (phường Bạch Đằng) chia sẻ: “Hơn chục năm qua, cái bến xe này là nguồn gốc gây ra cảnh ùn tắc trên đường Nguyễn Khoái, lan ra cả các tuyến đường xung quanh. Đã thế, bến xe còn là nơi phức tạp về trị an và đặc biệt là rất bẩn thỉu, ô nhiễm”. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở. Đường Nguyễn Khoái vốn là một trục đường hẹp nhưng lại có mật độ phương tiện vào loại lớn nhất TP. Mỗi lần xe khách lớn, xe buýt ra vào bến Lương Yên lại gây nên cảnh ùn ứ kéo dài ở cả hai chiều đường Nguyễn Khoái. Chưa hết, trước cửa bến, taxi, xe ôm, hàng quán la liệt, chiếm dụng hành lang giao thông, gây cản trở cho việc di chuyển của các phương tiện. Đã thế, chính những hàng quán, tụ điểm tập trung xe taxi, xe ôm này lại tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự. Điển hình nhất là ngày 26/8/2014, chính Phó Giám đốc Bến xe Lương Yên Nguyễn Văn Long đã bị hành hung ngay trong bến.

Nhanh chóng di dời

Kể từ khi có chủ trương di dời bến xe Lương Yên ra ngoại thành, người dân phường Bạch Đằng nói riêng, người tham gia giao thông nói chung rất phấn khởi và mong chờ. Một người dân phường Bạch Đằng cho biết: “Có chủ trương di dời rồi mà thấy vẫn xe ra, xe vào, chúng tôi cũng sốt ruột. Hy vọng chính quyền TP giải tán bến Lương Yên càng sớm càng tốt để chúng tôi được yên tâm”. Không chỉ người dân, ngay chính các lực lượng chức năng khu vực này cũng rất ủng hộ chủ trương di dời bến xe mà TP đã chỉ đạo. Đội phó Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Công an TP Nguyễn Đức Huấn cho biết: “Nhiều năm nay, chúng tôi rất vất vả với tình trạng UTGT trước cửa bến xe Lương Yên. Di dời sớm chừng nào sẽ giải tỏa "điểm đen" ùn tắc sớm chừng ấy”.

Về phương án di dời bến xe Lương Yên, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết: “Các xe tại bến Lương Yên sẽ được tự chọn về bến Nước Ngầm hoặc Yên Nghĩa và đăng ký với Sở GTVT Hà Nội chậm nhất vào ngày 10/6”. Cùng với các ban, ngành hữu quan, Sở GTVT đang khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP, sớm hoàn tất việc chuyển dịch, ổn định các tuyến vận tải hành khách đang hoạt động, khai thác tại bến Lương Yên. Sau nhiều lần gia hạn dừng hoạt động, bến xe Lương Yên đang ngày càng xuống cấp, nhếch nhác, tạm bợ, gây UTGT và làm xấu mỹ quan Thủ đô. Theo Quy hoạch GTVT của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bến xe Lương Yên cũng không nằm trong danh mục các bến xe được nâng cấp, cải tạo đưa vào phục vụ hành khách. Để tiếp tục chủ trương chỉnh trang đô thị, mang lại không gian văn minh, xanh - sạch - đẹp cho Thủ đô, đề nghị các ban, ngành hữu quan thúc đẩy nhanh chóng quá trình di dời bến xe Lương Yên, đáp ứng nguyện vọng của người dân khu vực.
Hiện, bến xe Lương Yên đang có 38 tuyến vận tải đi 20 tỉnh, TP với tần suất 335 lượt xe/ngày, do 319 phương tiện của 52 đơn vị vận tải thực hiện cung ứng.