Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 mới đây, các diễn giả đều đánh giá cao, 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu DN, bất động sản (BĐS), cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động. Quan điểm của ông thế nào? Ông đánh giá sao về diễn biến thị trường vốn thời gian qua?
- Thị trường tài chính gồm 3 cấu phần dẫn vốn vô cùng quan trọng cho nền kinh tế là tín dụng ngân hàng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Diễn biến kinh tế thế giới biến động mạnh, lạm phát tăng, nhiều nước giảm tăng trưởng. Với độ mở của nền kinh tế lớn, khi những tác động từ bên ngoài và tồn tại tích tụ lâu nay của nền kinh tế tác động mạnh đến dư địa điều hành chính sách, thị trường vốn, thị trường BĐS, từ nửa đầu quý IV/2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh, lao động - việc làm của người dân, DN bị ảnh hưởng.
Hệ thống ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng, lãi suất tăng; các thị trường chứng khoán (TTCK), trái phiếu DN, BĐS tồn tại như: Thao túng làm giá chứng khoán, phát hành trái phiếu “3 không” của DN… khiến Nhà nước phải mạnh tay can thiệp thị trường này để siết kỷ cương.
Đến thời điểm hiện tại, TTCK của Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có độ suy giảm sâu hơn so với các thị trường trong khu vực và thế giới. Thị trường trái phiếu DN đang khá khó khăn. Lượng trái phiếu phát hành mới gần như bị đóng băng trong 2 tháng gần nhất, BĐS khó khăn sức mua thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền… Tất cả những vấn đề trên là sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và DN.
Chỉ đạo của Thủ tướng rất kịp thời và quyết liệt, hướng tới lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường BĐS để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Những công điện này đã đưa ra các biện pháp và chỉ ra những vướng mắc của nền kinh tế trong thời gian qua.
Tuy nhiên, thực hiện các công điện này thế nào là quan trọng, cần phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng, giải quyết cho được những vướng mắc của nền kinh tế.
Giảm lãi suất, minh bạch thị trường vốn, bất động sản
Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong tháng cuối năm, lãi suất huy động cũng được các ngân hàng thống nhất đưa về 9,5%. Ông đánh giá thế nào về diễn biến này?
- Đây là sự quyết tâm cố gắng lớn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Hiệp hội ngân hàng và hệ thống ngân hàng. Thực tế, lạm phát của Việt Nam hiện vẫn tương đối thấp (dưới 4%), trong khi lãi suất huy động nếu 9,5% là đã đảm bảo lãi suất thực dương rồi.
Bên cạnh NHNN đang điều tiết công cụ thị trường mở hết sức linh hoạt, bơm - hút nhịp nhàng để ổn định thanh khoản của hệ thống, nên việc giảm lãi suất của các ngân hàng là phù hợp, phản ánh đúng thực tế diễn biến hiện nay.
Các ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng khả năng được tiếp cận vốn rất ít. Như vậy có khơi thông được vốn ngân hàng tới nền kinh tế không?
- Đây là điều rất quan trọng với DN cũng như với các ngân hàng. Ngân hàng cũng là DN kinh doanh, họ phải đảm bảo mức lợi nhuận đem lại phù hợp với rủi ro của họ gánh chịu. Vì thế, chuyện chấp hành các điều kiện để cho vay (như là điều kiện bắt buộc) là đương nhiên, nếu vi phạm sẽ bị xử lý ngay.
Ngoài ra, bản thân các DN kinh doanh phải xem lợi nhuận đó có đủ bù đắp rủi ro không, và phải tính đến các yếu tố DN có trả nợ được hay không. Vì thế DN vay vốn ở hệ thống ngân hàng phải tự hoàn thiện mình và đáp ứng được điều kiện cho vay. Đó là nguyên tắc.
NHNN cũng yêu cầu, thúc đẩy các ngân hàng cho vay cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống. Tại cuộc gặp gỡ giữa Thống đốc NHNN với các chuyên gia Ủy ban Kinh tế, ban Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, chúng ta không thể thay cho DN. Vì ngân hàng có hạ thấp điều kiện cho DN vay hay không và nếu hạ thấp thì rủi ro sẽ ập đến từng ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng ngay. Do đó, việc tiếp cận được vốn hay không phụ thuộc rất lớn vào bản thân các DN.
Tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh hạ lãi suất cho DN. NHNN mới đây cũng nới hạn mức (room) tín dụng 1,5 - 2% tương ứng với năm 2022. Như vậy sẽ có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng, với khoảng 200.000 tỷ đồng của room tín dụng 14% còn lại thì sẽ có tổng nguồn vốn tín dụng khoảng 440.000 tỷ đồng để “bơm” vào nền kinh tế ngay trong tháng 12/2022. Ông đánh giá sao về dòng vốn ngân hàng cuối năm? Làm sao để khơi thông được luồng vốn này?
- Việc nới room tín dụng ở thời điểm cuối năm có thể hiểu rằng sẽ chủ yếu phục vụ nguồn vốn lưu động cuối năm cho các DN chứ không phải để phục vụ các dự án đầu tư hay BĐS. NHNN đã nêu rõ "địa chỉ" của dòng vốn, đó là đi đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ... các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, các ngân hàng sẽ tuân thủ và ưu tiên vốn cho những lĩnh vực này. NHNN hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ để có điều kiện cung ứng vốn, giảm lãi suất cho DN vay nhưng điều đó không có nghĩa là ngân hàng bắt buộc phải cho vay hết room tín dụng mà vẫn phải lấy hiệu quả kinh tế làm đầu.
Thời gian còn lại của năm 2022 rất ngắn, hạn mức (room) tín dụng được nới thêm sẽ được các ngân hàng giải ngân cho hồ sơ vay vốn đang xếp hàng chờ, nguy cơ dòng vốn tín dụng đưa vào những lĩnh vực rủi ro khó có thể xảy ra.
Nhu cầu vốn cho BĐS rất lớn, ngoài tiếp cận vốn ngân hàng, cần làm gì để khơi thông thị trường này?
- Về lâu về dài, các DN trong nền kinh tế muốn có nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư, tăng trưởng thì DN phải huy động trên TTCK. Huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN mang lại những lợi thế lớn cho DN: Phát hành trái phiếu đảm bảo cho DN sử dụng nguồn vốn linh hoạt và dài hạn ngay sau khi phát hành mà không phụ thuộc vào việc giải ngân vốn.
Bản thân các DN thị trường này cũng cần phải có sự nỗ lực, phải tự tái cấu trúc. Ví như DN cần nhìn nhận lại cấu trúc vốn và có chiến lược sử dụng hiệu quả nhất đồng vốn trong tay mình; rồi thị trường BĐS giá cứ cao, không phù hợp với thu nhập của người dân, nguồn cung mất cân đối, nếu gỡ khó cho thị trường BĐS bơm vốn vào càng làm phình to bong bóng thị trường này. Do đó, phải tái cơ cấu sản phẩm hướng về nhu cầu thực và thực hiện giảm giá nhà tương đối nhằm đưa thị trường vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi; Phát triển minh bạch, an toàn, bền vững thị trường trái phiếu, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư bằng cách minh bạch hóa, nâng cao mức tín nhiệm hệ thống cơ sở dữ liệu, các chuẩn mực kế toán…
Hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính thúc đẩy phát triển
Năm 2023, những thách thức nào tới điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa? Cần kết hợp thế nào để hỗ trợ DN, thúc đẩy nền kinh tế, thưa ông?
- Áp lực lạm phát vẫn rất lớn do lạm phát thế giới vẫn ở mức cao. Thứ 2 áp lực tỷ giá và lãi suất. Fed và ngân hàng T.Ư các nước có đồng tiền mạnh hơn và có quan hệ thương mại với Việt Nam vẫn tăng lãi suất. Do đó, việc giữ được ổn định tỷ giá hối đoái và ổn định thị trường tiền tệ lãi suất sẽ tiếp tục thách thức nhà điều hành. Nợ xấu tiềm ẩn khi DN khó khăn. Với chính sách tài khóa, lạm phát, thâm hụt ngân sách vẫn đang trực chờ.
Để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN phải đảm bảo thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng, điều hành hợp lý và đồng bộ cả lãi suất và tỷ giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý với diễn biến thị trường và diễn biến kinh tế vĩ mô.
Chính sách tài khóa bảo đảm nguồn lực cho nền kinh tế trên cơ sở tăng thu ngân sách, giảm chi, huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Qua đó, bảo đảm tiến độ của các dự án đầu tư công, cũng như các dự án trong việc phục hồi kinh tế.
Nhu cầu vốn của nền kinh tế luôn cao. NHNN cố gắng đảm bảo vai trò của nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên cũng cần có sự hỗ trợ từ thị trường vốn và đầu tư công. Các giải pháp cần tập trung tháo gỡ là phát triển thị trường vốn, tập trung vào thị trường trái phiếu. Đối với TTCK, cũng cần củng cố và phát triển để trở thành một “hàn thử biểu” đo lường sức khỏe của nền kinh tế.
Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đồng bộ hóa các văn bản pháp luật, sớm có các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả về chính sách từ phía Nhà nước với thị trường vốn, thị trường BĐS…
Xin cảm ơn ông!
"Một vấn đề rất quan trọng đó là cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh qua đó thu hút đầu tư nguồn lực bên ngoài, đồng thời giúp DN tiết giảm được chi phí không chính thức. Bộ Tài chính được yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giảm, giãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân và DN…" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh