Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh:

Cần phương án dự phòng nếu giá xăng, dầu lại tăng trong thời gian cuối năm

Ánh Ngọc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điểm nghẽn trong điều hành cung ứng xăng, dầu hiện nay là cơ chế giữa DN đầu mối với DN phân phối, DN bán lẻ chưa rõ ràng.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần phối hợp xây dựng bộ máy linh hoạt, hiệu quả và giảm được chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng, dầu từ DN đầu mối xuống các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất.

Giải mã hiện tượng đứt gãy nguồn cung xăng, dầu

Trong 38 DN đầu mối thì có 33 DN có chức năng nhập khẩu xăng, dầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quý III/2022, lượng nhập khẩu của DN giảm mạnh. Ông đánh giá tác động của câu chuyện này như thế nào?

- Trước hết, chúng ta biết rằng trong quá trình điều chỉnh hoạt động của nền kinh tế từ thời gian tháng 1 đến tháng 6 năm 2022 giá xăng, dầu tăng quá cao và giá xăng, dầu này ở Việt Nam cũng tăng khoảng 54%. Rõ ràng là các DN xăng, dầu khi nhập khẩu từ nước ngoài về thì thường theo kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. Cũng có nhiều DN dù trong tháng 6 đã ký hợp đồng nhập khẩu cho tháng 7, tháng 8 thì họ phải chấp nhận giá rất cao vì giá xăng, dầu thời điểm đó trên toàn thế giới cao.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.

Khi nhập khẩu với giá cao như vậy thì lượng tiền họ sẽ không còn nữa. Từ tháng 7 trở đi, giá xăng, dầu thế giới liên tục giảm, giá xăng, dầu trong nước giảm đến 9 lần. Do vậy, các DN đầu mối nhập khẩu xăng, dầu giá cao bán với giá thấp hơn, họ chịu lỗ, từ đó gây khó khăn về cả nguồn vốn cũng như yếu tố tâm lý cho các DN xăng, dầu trong quá trình nhập khẩu hàng hóa.

Vậy có nghĩa là xét về nhiệm vụ, trách nhiệm nhập khẩu xăng, dầu, các DN đầu mối chưa hoàn thành?

- Chúng ta biết rằng, về nguyên tắc xăng, dầu là một mặt hàng chiến lược của nền kinh tế và kinh doanh xăng, dầu là kinh doanh có điều kiện. Các DN kinh doanh phải đảm bảo thực hiện đúng chỉ tiêu sản lượng cũng như yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với thị trường xăng, dầu.

Rõ ràng khi DN không thực hiện đúng kế hoạch nhập khẩu sản lượng là vi phạm quy định về kinh doanh xăng, dầu. Vấn đề này các cơ quan quản lý hoàn toàn có cơ sở để xử lý.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế vừa qua, đáng ra, nếu như các DN, hiệp hội có phản ánh kịp thời thì các cơ quan chức năng có thể điều chỉnh một cách sớm hơn và sẽ không xảy ra những khó khăn không đáng có. Đó là trong tháng 7, tháng 8 gần như các DN ngưng không nhập khẩu.

Mặc dù trong tháng 9, DN tổng nhập khẩu sản lượng xăng, dầu tăng rất cao khoảng 34,8%, nhưng tổng thể trong cả quý III, sản lượng dầu nhập khẩu giảm tới 35% so với quý II và xăng nhập khẩu giảm tới 40% so với quý II. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có những địa phương có thời điểm xăng dầu không đủ để cung ứng ra thị trường.

Mập mờ cơ chế giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối và bán lẻ

Trong kinh doanh, có lúc DN lãi, lúc DN lỗ do chịu chi phối bởi biến động thị trường, do vậy DN đầu mối phải tính toán. Việc DN đầu mối khi nhập giá cao và bán với giá thấp hơn, nhưng lại đẩy phần lỗ cho các DN phân phối, DN bán lẻ. Ông nhận định thế nào về điều này?

- Điều này là không nên. Tất nhiên, trong thời gian dài kinh doanh vừa qua, chưa bao giờ giá xăng, dầu lại biến động nhiều và mạnh như đợt đầu năm 2022. Tôi muốn nhấn mạnh là, khi gặp những khó khăn như vừa qua, DN đầu mối có thể yêu cầu các DN phân phối, DN bán lẻ chia sẻ và DN đầu mối cũng phải chấp nhận một mức giá mà họ chịu lỗ vì kinh doanh thì phải có lãi và có lỗ.

Theo điều kiện thực tế, DN đầu mối có thể đề nghị với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý hợp lý hơn, lúc đó sẽ bớt áp lực, khó khăn cho tất cả các hệ thống từ DN đầu mối, DN phân phối cho đến DN bán lẻ.

Việc thiếu xăng cục bộ đã xảy ra tại một số địa phương, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Vậy, theo ông đâu là điểm nghẽn khiến tình trạng này xảy ra và giải pháp tháo gỡ ra sao?

- Tiêu dùng xăng, dầu rất khác nhau ở từng địa phương và từng địa điểm cụ thể, vì vậy, việc xem xét tính toán sản lượng cung ứng ra thị trường cần phải đúng theo địa điểm, đúng địa bàn. Đó là điều mà cơ quan quản lý cần phải rút kinh nghiệm.

Theo tôi, điểm nghẽn ở đây là điều hành cung ứng xăng, dầu làm sao để đúng, đủ cho các DN phân phối, DN bán lẻ với một mức giá hợp lý, để từ đó họ có thể đảm bảo cung ứng ra thị trường. Rõ ràng từ khâu đầu mối đến khâu phân phối và bán lẻ đang có sự vênh nhau trong quá trình điều hành.

Ông có thể nói rõ hơn về câu chuyện bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam hiện nay?

- Về mặt nguyên tắc, trong quy định luật chỉ cho phép DN bán lẻ được ký hợp đồng ổn định với 1 DN đầu mối. Và thực tế, thường là DN bán lẻ ký hợp đồng 5 năm với DN phân phối.

Tuy nhiên, khi DN phân phối bị rút phép đột ngột như một vài DN vừa qua thì DN bán lẻ khó có thể đi mua ở DN đầu mối. Và kể cả khi DN đầu mối (đã ký hợp đồng) có bán đắt, DN phân phối và DN bán lẻ cũng không có quyền nhập xăng, dầu giá rẻ ở địa chỉ DN đầu mối khác về. Đây cũng là bài toán mà cơ quan quản lý cần phải tính toán lại.

Sẵn sàng phương án dự phòng giá xăng, dầu tăng trở lại

Việc điều chỉnh chi phí định mức mới đây của Bộ Tài chính đã gần như giải quyết hoàn toàn nút thắt về mức chiết khấu của các DN phân phối. Liệu trong thời gian tới, còn dư địa nào để vừa điều chỉnh phù hợp chi phí định mức, vừa không làm tăng giá các mặt hàng xăng, dầu quá nhiều, thưa ông?

- Trong thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có sự kết hợp chặt chẽ để giải quyết các khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu. Trong thời gian tới, 2 bộ cần tiếp tục rà soát, xem xét có thể điều chỉnh các khoản chi phí liên quan đến chi phí vận chuyển xăng, dầu từ nước ngoài về hoặc chi phí trong nước cho phù hợp. Từ đó, tác động làm cho giá xăng, dầu đảm bảo ở mức bình thường trên thị trường, song vẫn đảm bảo chi phí kể cả cho DN đầu mối, DN phân phối và DN bán lẻ tiêu dùng.

Hiện tại 20% lượng xăng, dầu của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, vậy ngoài việc giảm thuế mà Bộ Tài chính đang thực hiện thì còn giải pháp nào khác như tạo thêm nguồn tài chính cho DN nhập khẩu nhằm tránh tình trạng DN hết tiền và hạn chế nhập như thời gian qua không, thưa ông?

- Thứ nhất, thời gian vừa qua khi mà giá xăng, dầu tăng rất cao thì rõ ràng định mức cho vay các DN xăng, dầu bị ảnh hưởng vì định mức cho vay đã đưa ra từ tháng 10/2021, vì vậy, phía ngân hàng cần xem xét mức tín dụng cho phù hợp. Thứ hai, ngay cả định mức về mua bán cái ngoại tệ cũng đã được đưa ra từ năm 2021, bây giờ cũng phải xem xét lại cho thỏa đáng.

Theo tôi, Bộ Tài chính ngoài việc xem xét định mức chi phí cũng cần có phương án dự phòng sẵn sàng nếu giá xăng, dầu lại tăng trong thời gian cuối năm thì phải xử lý thế nào cho hợp lý.

Tôi mong rằng những đề xuất của Bộ Tài chính về giảm các loại thuế lên Chính phủ và trình Quốc hội phê duyệt vào kỳ họp cuối năm nay sẽ được Quốc hội sớm thông qua. Tôi cũng hy vọng thị trường xăng, dầu từ nay đến cuối năm sẽ trở về mức bình ổn và đáp ứng được một cách đầy đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

"Cơ chế giữa DN đầu mối với DN phân phối, DN bán lẻ là chưa rõ ràng, cụ thể. Tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các DN ở từng khâu chưa được đề cao dẫn đến việc các cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng, dầu bị ép giá thông qua chiết khấu. Bất cập nữa chính là cơ quan quản lý đã không tính đúng, tính đủ nhu cầu và sản lượng tiêu thụ của từng địa phương dẫn đến tình trạng thiếu xăng, dầu trên thị trường." - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh