Ngày càng tắc nghiêm trọng
Tháng 11/2020, đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở được hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần giảm tải cho giao thông trên tuyến đường Trường Chinh. Tuy nhiên, do chưa đồng bộ toàn tuyến nên tại các nút giao: Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, phương tiện vẫn phải đi xuống đường dưới thấp để tiếp tục lưu thông. Hai nút giao này phải chịu áp lực nhiều hơn trong khi khả năng đáp ứng vẫn như cũ, thậm chí là kém hơn tại một số thời điểm.
Đặc biệt, nút giao Ngã Tư Sở, dù đã được tổ chức lại giao thông, cấm một chiều trực thông từ Tây Sơn – Nguyễn Trãi, biến ngã tư thành ngã ba nhưng vẫn liên tục xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài vào giờ cao điểm hoặc khi trời có mưa. Anh Nguyễn Cao Sơn – một người thường xuyên di chuyển trên tuyến Láng – Trường Chinh bằng xe ô tô chia sẻ: “Đi đường trên cao rất nhanh và thuận tiện nhưng khu vực Ngã Tư Sở thường xuyên tắc nghẽn. Có lúc từ đường trên cao xuống, muốn qua được nút đến đường Láng phải mất nửa tiếng đồng hồ, thường thường là 10 - 15 phút”.
Nhiều người dân còn phản ánh, do một số thời điểm nút Ngã Tư Vọng phải chặn tạm thời, lô cốt, hàng rào thu hẹp mặt đường nên ùn ứ cũng liên tục diễn ra. Dù không khó khăn như nút Ngã Tư Sở nhưng lưu thông qua khu vực này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định: “Sở dĩ nút Ngã Tư Sở ùn tắc ngày càng nghiêm trọng là do năng lực thông hành của tuyến Trường Chinh, bao gồm cả đường trên cao và dưới thấp tăng đột biến thời gian gần đây. Lượng phương tiện đổ về nhanh hơn trong khi nút giao không được mở rộng, nâng cấp sẽ gây ùn tắc giao thông nặng nề hơn”.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hạ tầng toàn tuyến chưa đồng bộ, Ngã Tư Sở lại nằm tại vị trí chiến lược, chốt giữ hai tuyến giao thông cực kỳ trọng yếu là: Vành đai 2, Quốc lộ 6 hướng tâm, rất cần phương án tổ chức tối ưu cho nút giao này.
Đề xuất phương án tổ chức lại giao thông
Đại diện Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, ngay từ khi mới đưa đoạn tuyến trên cao Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng vào hoạt động, nhận thấy ùn tắc ngày càng diễn biến phức tạp, đơn vị đã kiến nghị, đề xuất với Sở GTVT Hà Nội xem xét phương án tổ chức lại giao thông.
Cụ thể, đề xuất bịt cả hai hướng đường trực thông Nguyễn Trãi đi Tây Sơn và ngược lại. Đồng thời mở hai điểm quay đầu lớn trên đường Trường Chinh và Láng để điều tiết phương tiện theo hướng này đi vòng tránh nút giao, chỉ cho xe đi thẳng từ Trường Chinh sang Láng và ngược lại.
Theo đại điện Đội CSGT số 3, phương án này sẽ giảm thiểu được xung đột giao thông tại Ngã Tư Sở, dễ dàng điều tiết, tháo gỡ hơn khi ùn tắc. Mặt khác, từ đường Nguyễn Trãi sang Tây Sơn hiện đã có cầu vượt, dù chặn hướng trực thông qua nút Ngã Tư Sở cũng sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực quá lớn đến giao thông.
Đề xuất này cũng nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình của người tham gia giao thông trên tuyến. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (Phương Liệt, Thanh Xuân) cho biết, nhiều ngày qua, khi nút Ngã Tư Vọng bịt hướng lưu thông thẳng qua đường Giải Phóng, tình trạng ùn tắc tại đây giảm hẳn, lưu thông dễ dàng hơn.
“Nếu áp dụng biện pháp tương tự với Ngã Tư Sở, tôi cho rằng sẽ giảm thiểu được khá nhiều tình trạng ùn tắc giao thông. Ít nhất hướng từ Trường Chinh – Láng sẽ thông suốt” - chị Nguyễn Thị Thanh Nga nói.
Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, phương án bịt hướng lưu thông Nguyễn Trãi – Tây Sơn qua Ngã Tư Sở rất đáng để xem xét, nghiên cứu. “Hiện nay, mặt đường Trường Chinh đã được mở rộng gấp đôi, việc cho quay đầu trên tuyến đường này đã dễ dàng hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, khi cần thiết có thể phân luồng cho giao thông từ Nguyễn Trãi đi Trường Chinh – Tôn Thất Tùng để tránh ùn tắc" - thạc sĩ Đỗ Cao Phan phân tích.
Ngã Tư Sở thường xuyên ùn tắc làm ảnh hưởng tiêu cực lan tỏa cả ra khu vực các tuyến: Trường Chinh, Láng, Nguyễn Trãi, Tây Sơn… như hiện nay, cơ quan chức năng cần có giải pháp tháo gỡ sớm ngày nào hay ngày đó. Về phía đường Láng, điểm mở quay đầu cũng đã có, đang được sử dụng cho hướng Tây Sơn đi Nguyễn Trãi. Vị trí này cần nghiên cứu kỹ hơn, có hệ thống tín hiệu phù hợp để đảm bảo thông suốt, do mặt đường Láng nhỏ hẹp hơn.
Liên quan đến đề xuất này, phía Sở GTVT Hà Nội cho biết đang nghiên cứu, khảo sát. Trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nặng nề tại Ngã Tư Sở, ảnh hưởng tiêu cực lan tỏa cả ra khu vực các tuyến: Trường Chinh, Láng, Nguyễn Trãi, Tây Sơn… như hiện nay, cơ quan chức năng cần có giải pháp tháo gỡ sớm ngày nào hay ngày đó.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, việc tổ chức giao thông tại Ngã Tư Sở thời điểm này là không hề đơn giản. Toàn tuyến Vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy chưa được đầu tư mở rộng; muốn đồng bộ được nốt đoạn cuối cùng này ít nhất phải chờ thêm từ
5 - 10 năm. Nếu không có phương án tổ chức giao thông đặc thù, đây sẽ là một trong những điểm “đen” ùn tắc giao thông kéo dài, nhức nhối của Hà Nội nhiều năm tới.