Cần sự liên kết chặt chẽ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đạt được mục tiêu đón 3 triệu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội trong năm 2014, Phó...

Kinhtedothi - Để đạt được mục tiêu đón 3 triệu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội trong năm 2014, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng cho biết, ngoài Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2014 (diễn ra từ 9 - 12/10), Sở đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm quảng bá, phát huy thế mạnh của các làng nghề truyền thống ở Thủ đô. Tuy nhiên, cần có thời gian, lộ trình và những cái bắt tay thật chặt của liên cấp, liên ngành.

Hà Nội đang sở hữu 49 trong tổng số 52 loại hình nghề truyền thống, trong đó, nhiều làng nghề được đánh giá có tiềm năng để phát triển du lịch. Nhưng, dường như du khách trong và ngoài nước chưa biết nhiều đến du lịch làng nghề truyền thống của TP, thưa ông?

- Thực tế, Hà Nội rất giàu tiềm năng du lịch nhưng còn rất nhiều mảng, khía cạnh chưa được khai thác hoặc khai thác chưa đúng mức. Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống năm nay với sự góp mặt của 366 gian hàng thuộc 194 đơn vị, trong đó có cả Hàn Quốc và Malaysia, sẽ tạo ra "cú hích" để Thủ đô từng bước khai thác di sản làng nghề truyền thống một cách hiệu quả. Bởi lẽ, thông qua hoạt động này, các làng nghề, các doanh nghiệp (DN) du lịch Hà Nội có thể chủ động tìm đối tác trong và ngoài nước để hợp tác phát triển. Mặt khác, du khách sẽ được tìm hiểu rất nhiều nghề truyền thống, thậm chí còn được tham gia trực tiếp làm một số công đoạn sản xuất sản phẩm nghề thủ công như nặn, vẽ, vuốt của nghề gốm, hay vót, đan của nghề mây tre đan... Đặc biệt, hàng ngày, chúng tôi sẽ tổ chức các tour du lịch xuất phát từ khu vực liên hoan tới các làng nghề truyền thống của TP trong khoảng thời gian nửa ngày hoặc một ngày. Các tour này sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về làng nghề truyền thống Hà Nội.

 
Khách tham quan các gian hàng tại Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2013. Ảnh: Thanh Hải
Khách tham quan các gian hàng tại Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2013. Ảnh: Thanh Hải
Nhằm thu hút các Thượng đế của ngành "công nghiệp không khói" đến với các làng nghề truyền thống, Liên hoan năm nay sẽ có những chương trình gì để kích cầu, thưa ông?

- Rút kinh nghiệm từ Liên hoan năm 2013, thời điểm tổ chức Liên hoan vào tháng 10 - sự chú ý của người dân tới các tour, tuyến du lịch không cao như tháng 4 - thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè, nên chúng tôi chỉ cho phép các DN du lịch có sản phẩm ít nhiều liên quan đến làng nghề được tham gia.  Nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch và chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" của Tổng cục Du lịch, chỉ những đơn vị, DN và các hãng hàng không có các tour du lịch làng nghề, chương trình giảm giá, thậm chí giảm sâu mà vẫn đảm bảo chất lượng mới được tham dự Liên hoan.

Xin ông cho biết, ngoài tổ chức Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống, ngành "công nghiệp không khói" của Thủ đô đã làm gì để phát huy thế mạnh của các làng nghề?

- Hiện, Sở VHTT&DL Hà Nội đang hỗ trợ làm biển báo chỉ dẫn khách du lịch, tờ rơi, tập gấp cho Vạn Phúc và Bát Tràng, sắp tới sẽ làm thêm ở Chương Mỹ. Chúng tôi đang cố gắng kết nối một số làng nghề đã được lựa chọn và mời chuyên gia người Pháp hỗ trợ để hình thành nên các tour du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội.

Chương trình phát triển làng nghề kết hợp du lịch từ cuối năm 2012 - 2015 của Hà Nội xác định xây dựng 20 làng nghề du lịch, nhằm khai thác các giá trị văn hóa, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và góp phần phát triển nghề thủ công truyền thống. Thưa ông, con đường thực hiện mục tiêu này hẳn còn không ít chông gai?

- Cái khó khi thực hiện chương trình này là các làng nghề, phố nghề Hà Nội nằm rải rác ở nhiều khu vực, làng xã xen kẽ với dân cư lao động nông nghiệp nên hạn chế trong việc tổ chức đi lại cho du khách. Mặt khác, du lịch làng nghề có tính tổng hợp rất lớn, bao gồm rất nhiều yếu tố như cảnh quan môi trường, giá trị nghề, trải nghiệm nghề, chất lượng đường sá, ý thức, thái độ của người dân… Mặc dù, Sở đã có đề án về phát triển du lịch làng nghề nhưng để đạt mục tiêu đã đề, ra chỉ  ngành du lịch nỗ lực là chưa đủ, bởi bản chất du lịch là liên ngành, liên vùng. Vì vậy, phải có sự liên kết và những cái bắt tay thật chặt giữa chính quyền địa phương, DN du lịch và người dân làng nghề thì du lịch làng nghề Hà Nội mới thực sự trở thành đặc sản hấp dẫn du khách gần xa.

Xin cảm ơn ông!