Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý vi phạm hồ chứa thuỷ lợi tại huyện Sóc Sơn

Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi báo Kinh tế và Đô thị có bài phản ánh về tình trạng vi phạm hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có phản hồi, trong đó đề cập đến trách nhiệm của các bên có liên quan.

Địa phương chậm xử lý

Ngày 24/1/2022, báo Kinh tế và Đô thị đã có bài “Huyện Sóc Sơn: Tồn tại nhiều vi phạm công trình thuỷ lợi”, phản ánh trong 2 năm vừa qua trên địa bàn huyện này phát sinh nhiều vi phạm; số lượng vi phạm tồn đọng cũng còn rất nhiều. Mới nhất là 2 vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước Ban Tiện.

Một công trình vi phạm hồ chứa thuỷ lợi tại xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) bị cơ quan chức năng xử lý. Ảnh: Tùng Nguyễn.
Một công trình vi phạm hồ chứa thuỷ lợi tại xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) bị cơ quan chức năng xử lý. Ảnh: Tùng Nguyễn.

Theo Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội, phản ánh của báo Kinh tế và Đô thị là chính xác. Hai vi phạm là của các ông: Dương Văn Phương và Nguyễn Văn Hiển. Hai vụ vi phạm đều phát sinh vào đầu năm 2022 tại khu đầu mối và kênh chính của hồ Ban Tiện.

“Ngay sau khi phát hiện vi phạm, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản kiểm tra hiện trường; có văn bản đề nghị UBND xã Minh Phú xử lý 2 trường hợp vi phạm…” - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội Trần Thanh Toàn cho biết. Tiếp đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn quan tâm, chỉ đạo xử lý các vi phạm nêu trên theo đúng quy định pháp luật.

Liên quan đến phản ánh về những tồn đọng vi phạm công trình thuỷ lợi kéo dài từ năm 2021 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội và Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội xác nhận, đồng thời cho biết, đã rất nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương, đề nghị lập biên bản xử lý. Dù vậy, vi phạm vẫn liên tục phát sinh, tồn đọng và chậm được xử lý.

Kiên quyết xử lý theo quy định

Để thống nhất trình tự, thủ tục xử lý vi phạm công trình thuỷ lợi, từ năm 2019, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 144/HD-SNN hướng dẫn trình tự kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuỷ lợi trên địa bàn TP. Theo chức năng, nhiệm vụ, UBND huyện Sóc Sơn có trách nhiệm thiết lập, hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo xử lý giải toả các vi phạm công trình thuỷ lợi còn tồn đọng trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ quy định trong lĩnh vực bảo vệ và khai thác công trình thuỷ lợi. 

 

Theo Điều 17 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ, các vi phạm về bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi có thể bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng. Tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, hoặc khôi phục tình trạng ban đầu của công trình thuỷ lợi...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi hiện đã được quy định trong Nghị định số 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều. Nghị định số 65/2019/NĐ-CP ban hành sau đó cũng đã sửa đổi, bổ sung thêm một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP.

Trên cơ sở Nghị định số 104 và 65, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn nghiên cứu, áp dụng các điều khoản đã được quy định và những quy định khác có liên quan, để làm căn cứ thiết lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo UBND các xã có hồ chứa thuỷ lợi tăng cường công tác quản lý trật tự đất đai và mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn.