Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần suy nghĩ vì sao dân phải đưa hối lộ?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có quá nhiều bất cập trong công tác thanh tra, kết luận thanh tra và hậu quả là nhiều vụ tham nhũng vẫn chưa rõ trách nhiệm của ai. Hơn nữa, khi công chúng bị hạn chế tiếp cận với các kết luận thanh tra sẽ hạn chế hiệu quả phòng chống tham nhũng.

Cần suy nghĩ vì sao dân phải đưa hối lộ? - Ảnh 1
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 1/11 về những vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (ảnh bên) cho rằng: Đã đến lúc cần phải kiểm tra lại hành lang pháp lý đã có, vì có nhiều quy định mà mình không thực hiện. Luật Thanh tra quy định chi tiết, cụ thể hóa nguyên tắc đảm bảo tính hiệu lực cần thiết của chủ thể thanh tra đối với chủ thể quản lý Nhà nước. Nhưng quá trình thực hiện chúng ta không tuân thủ đúng trong nhiều trường hợp. Nếu xem xét kết luận thanh tra về Vinalines có thể thấy rõ, Thanh tra Chính phủ đã không làm hết thẩm quyền trong việc xác định trách nhiệm. Ở đây trách nhiệm được quy gần hết cho doanh nghiệp, nhưng trách nhiệm của quản lý Nhà nước không được chỉ rõ.

Theo bà Lê Thị Nga, Luật Thanh tra quy định Đoàn thanh tra có thẩm quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức đảm bảo cho quá trình thanh tra được tiến hành thuận lợi. Tuy nhiên, có trường hợp, trong quá trình thanh tra, đối tượng bị thanh tra lại được điều chuyển sang cơ quan khác mà Thanh tra không có ý kiến gì! Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình thanh tra mà trường hợp bị can Dương Chí Dũng là một ví dụ cụ thể. Một điểm nữa, về thời hạn, hình thức công khai kết luận thanh tra, cần kiểm tra lại các quy định về điểm này trong Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thanh tra để xem quy định yêu cầu công khai kết luận thanh tra bằng hình thức nào. Theo quy định, có các hình thức thông tin như đưa lên trang web, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cuộc họp... Nhưng thông thường, cơ quan Thanh tra chọn hình thức hẹp nhất.

“Có một công thức mà quốc tế đã thừa nhận: Tham nhũng = độc quyền + bưng bít thông tin và trách nhiệm giải trình. Nếu công chúng bị hạn chế tiếp cận với các kết luận thanh tra sẽ hạn chế hiệu quả phòng chống tham nhũng” - bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Về giải pháp phòng chống tham nhũng, bà Lê Thị Nga cho rằng: Trước hết, phải làm đúng quy định của luật. Hiện tham nhũng đã trở thành quốc nạn thì phải có những giải pháp tương ứng. Tuy nhiên, giải pháp của ta hiện đang chặn cả hai đầu, vừa xử lý người nhận hối lộ, đồng thời xử lý người đưa hối lộ. Điều khoản về miễn trách nhiệm nếu chủ động phát giác vẫn có nhưng rất nhỏ và hẹp. Điều này dẫn đến tình trạng người đưa hối lộ nếu tố cáo sẽ đồng thời tố cáo chính mình. Tôi đã đề xuất một vài lần trước Quốc hội, trong tình hình hiện nay, nên miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn cho người đưa hối lộ thì mới xử lý được người nhận hối lộ. Vì công chức Nhà nước, cán bộ có chức vụ quyền hạn thì phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nghiêm khắc hơn so với dân. Cũng cần suy nghĩ tại sao dân phải đưa hối lộ, nếu không phải bị nhũng nhiễu, gây khó dễ.