Cẩn tắc vô áy náy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức lãi suất thấp kỷ lục từ 0 - 0,25% đã được FED duy trì gần một thập kỷ, trong nỗ lực kích thích nền kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Chưa đủ tự tin

Tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức tiệm cận 0 cho thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn thiếu tự tin rằng lạm phát sẽ dần quay lại mục tiêu 2%. Trong 12 tháng qua tính đến tháng 7 năm nay, con số này vẫn duy trì ở mức 0,3%. GDP của Mỹ đã có xu hướng khởi sắc, tuy nhiên vẫn thấp hơn thời điểm gần đây nhất FED tăng lãi suất vào giai đoạn 2004 - 2006. Trong tháng 8 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 5,1%, thấp nhất kể từ tháng 4/2008, tuy nhiên thu nhập của người lao động vẫn chưa tăng. Với những điểm sáng tối chưa rõ ràng trong bức tranh tăng trưởng, nền kinh tế Mỹ có thể nói đã phục hồi tuy nhiên chưa hoàn toàn ổn định và vững chắc.
Cẩn tắc vô áy náy - Ảnh 1
Mặt khác, trong tuyên bố chính thức sau cuộc họp ngày 16/9, Chủ tịch FED Janet Yellen nhận định “tình hình kinh tế thế giới và thị trường tài chính quốc tế trong thời gian gần đây có thể kìm hãm hoạt động kinh tế và sẽ tăng thêm áp lực giảm cho lạm phát trong ngắn hạn”. Một cái nhìn sắc ngọt được các chuyên gia kinh tế ném về phía Trung Quốc, nhiều người trong số họ nhận định nếu không phải vì những lùm xùm gần đây của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, FED có lẽ đã làm điều họ đắn đo từ cuối năm 2014. Kể từ sau quyết định phá giá đồng nội tệ với biên độ lớn kỷ lục của Ngân hàng T.Ư Trung Quốc vào ngày 11/8, hơn 5.000 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) nước này. Đóng góp 13% GDP vào kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các quốc gia khác, ngay cả khi đó là Mỹ.

Tạm thở phào

Sau quyết định của FED, đồng USD đã giảm so với rổ tiền tệ, đồng thời, TTCK Mỹ đã giảm điểm khi kết thúc phiên giao dịch và trái phiếu Mỹ tăng giá. Các thị trường mới nổi có lý do để thở phào khi nguy cơ rút vốn đã tạm ngừng với quyết định giữ nguyên mức lãi suất của FED. Chỉ số MSCI khu vực châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) đã tăng 1% lên mức cao nhất trong 4 tuần. Chỉ số Shanghai Composite Index của Trung Quốc tăng 0,4%, tuy nhiên vẫn hướng tới tuần giảm mạnh nhất trong tháng. Chứng khoán Ấn Độ tăng 1,7% lên mức cao nhất trong 4 tuần, TTCK Philippines và Hàn Quốc đều tăng 1%. Đồng Rupee của Ấn Độ tăng 0,6% so với USD, trong khi Ringgit của Malaysia có xu hướng kết thuốc chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ năm 1971. Đồng Won của Hàn Quốc và Baht của Thái Lan đều tăng 0,3%.

Cơ hội tăng lãi suất lớn nhất hiện nay theo các chuyên gia dự đoán là vào tháng 12/2015 bởi FED vẫn duy trì quyết tâm trong năm nay. Từ giờ tới lúc đó, FOMC còn 2 cuộc họp chính sách nữa vào tháng 11 và tháng 12. Đại diện cơ quan giữ vai trò thiết lập lãi suất của Fed (FOMC) ngày 17/9 cũng nhấn mạnh rằng lãi suất sẽ tăng một khi xem xét thấy thị trường lao động Mỹ đã tiến xa hơn và tự tin hơn về khả năng cán mốc mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn. Theo đó, các đầu tư vẫn có tâm lý thận trọng vì rốt cuộc thì FED cũng sẽ tăng lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng của các thị trường mới nổi vẫn còn yếu.