Quảng Trị:

Cần tăng cường “hậu kiểm” đối với các dự án khai thác, nạo vét trên sông

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề kiểm tra, xử lý các dự án nạo vét, khai thác cát, sỏi lòng sông sau khi cấp phép vẫn cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Bởi tình trạng sạt lở đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Nhiều nỗi lo

Việc quản lý khoáng sản, ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản trái phép chưa bao giờ hết “nóng” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Từ những vụ việc khai thác trái phép đến những vấn đề liên quan về môi trường, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng đã gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian vừa qua.

Không chỉ từ phản ánh của cơ quan báo chí mà ngay tại các cuộc họp, cử tri đã nhiều lần ý kiến về tình trạng này. Mới đây, tại kỳ họp HĐND cuối năm, ông Trần Việt Dũng, đại biểu huyện Triệu Phong đã chất vấn vấn đề này đối với Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị.

Một điểm sạt lở nghiêm trọng trên sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.
Một điểm sạt lở nghiêm trọng trên sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.

Ông Dũng nêu tình trạng các xe có tải trọng lớn chở cát, sạn lưu thông gây trở ngại cho người tham gia giao thông và hư hỏng công trình giao thông. Mặt khác, việc khai thác cát, sạn trên sông đã gây sạt lở 2 bờ sông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, đã có trường hợp sạt lở dẫn đến chết người tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị tháng 10/2022 vừa qua.

Vụ sạt lở tại bờ sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Như Lệ vào tối ngày 16/10/2022 khiến 1 người chết, 1 người bị thương.
Vụ sạt lở tại bờ sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Như Lệ vào tối ngày 16/10/2022 khiến 1 người chết, 1 người bị thương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị đánh giá việc khai thác cát sỏi lòng sông phải có quá trình đánh giá và các mỏ cát sỏi trên địa bàn toàn tỉnh đều nằm trong Quyết định 3330 của UBND tỉnh đã được quy hoạch và cấp phép khai thác.

“Chúng tôi khẳng định, ngành TN&MT không bao giờ tham mưu cho ủy ban tỉnh cấp phép vào những nơi xói lở. Việc làm của chúng tôi là đúng quy định pháp luật. Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư nói chung cũng như các dự án liên quan đến khai thác mỏ khoáng sản đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường và được thông qua hội đồng trước khi UBND tỉnh phê duyệt”, ông Khoa cho biết.

Tình trạng xe chở cát quá tải đã "cày nát" tuyến đường dân sinh, cứu nạn, cứu hộ dọc bờ bắc sông Thạch Hãn (đoạn qua phường An Đông, thị xã Quảng Trị và xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Tình trạng xe chở cát quá tải đã "cày nát" tuyến đường dân sinh, cứu nạn, cứu hộ dọc bờ bắc sông Thạch Hãn (đoạn qua phường An Đông, thị xã Quảng Trị và xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Đồng thời, ông Khoa cũng cho biết UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1855 về phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Phương án này có đề nghị, giao trách nhiệm rất cụ thể từ cán bộ cho đến chính quyền cấp xã. Sở TN&MT nhiều lần cùng chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ngày 9/9/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 4162 chỉ đạo các ngành nghiêm túc thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về Quy định quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Tình trạng sạt lở bờ sông vẫn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân.
Tình trạng sạt lở bờ sông vẫn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân.

Đại biểu Trần Việt Dũng đã nêu ra thực trạng khi cấp phép cho các mỏ khai thác đều có đánh giá tác động môi trường nhưng trong quá trình khai thác khiến dòng chảy thay đổi cũng như các yếu tố khác của thiên tai kết hợp đã gây ra tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông.

“Có nghĩa những tác động xấu đến môi trường đã xảy ra sau khi chúng ta đánh giá. Nên chăng, cần có đánh giá lại để có những giải pháp đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt, tại khu vực bờ sông Thạch Hãn để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do khai thác cát sạn gây ra” - đại biểu Dũng nêu.

Cần tăng cường kiểm tra

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Có một thực tế là sau khi triển khai các dự án khai thác, nạo vét cát sỏi lòng sông thì xảy ra tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông. Tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương, nặng nhất là ở bờ sông Thạch Hãn.

“Phải chăng, trong quá trình đánh giá tác động môi trường, dự báo của chúng ta không sát hoặc là không cụ thể. Nếu chỉ đánh giá thôi mà không dự báo được hậu quả cũng như nguyên nhân khác dẫn đến sạt lở, thiệt hại đến tài sản và tính mạng của nhân dân, điển hình như sạt lở vừa rồi ở xã Hải Lệ” - ông Quang chia sẻ.

Một điểm nhưng có đến gần chục tàu hút cát trên sông Thạch Hãn, xung quanh không hề có cắm mốc ranh giới, phạm vi khai thác.
Một điểm nhưng có đến gần chục tàu hút cát trên sông Thạch Hãn, xung quanh không hề có cắm mốc ranh giới, phạm vi khai thác.

Có thể thấy, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ban hành được xem là “cơ chế thép” trong việc quản lý việc khai thác cát, sỏi, hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, xe quá khổ, quá tải… cũng như thực hiện tốt hơn trong công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Tuy nhiên, có một thực tế UBND tỉnh chỉ đạo là vậy nhưng hơn 1 năm qua, việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân được phép khai thác, kinh doanh cát, sỏi vẫn lơ là.

Thậm chí, nhiều nội dung tại Điều 10, Điều 11, Điều 12, mục 3 của Nghị định này, như: Lắp đặt bảng thông báo công khai thông tin bến bãi tập kết; lắp đặt trạm cân, camera; cắm mốc tọa độ khai thác; phương tiện đủ điều kiện; sổ sách, chứng từ chứng minh nguồn gốc cát, sỏi… hầu như chưa được thực hiện.

Nhiều bãi tập kết cát sỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không có bảng thông báo, trạm cân, camera giám sát...
Nhiều bãi tập kết cát sỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không có bảng thông báo, trạm cân, camera giám sát...

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết: Liên quan đến việc cấp phép cho các dự án nạo vét, khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND tỉnh có lấy ý kiến Sở NN&PTNT, đồng thời giao Sở TN&MT và Sở Xây dựng phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất ở đây là ngoài báo cáo tác động môi trường thì quá trình triển khai thực hiện của đơn vị được cấp phép  có đúng như giấy phép hay không? Một máy hút có thể nằm trên bờ hoặc trên xà lan nhưng vòi hút lại vươn ra ngoài điểm được phép nạo vét, khai thác hàng 100m.

Một chiếc thuyền khai thác trái cát trái phép trên sông Thạch Hãn vội vàng thu đường ống dài cả trăm mét lên thuyền khi phát hiện phóng viên ghi hình.
Một chiếc thuyền khai thác trái cát trái phép trên sông Thạch Hãn vội vàng thu đường ống dài cả trăm mét lên thuyền khi phát hiện phóng viên ghi hình.

“Do đó, vấn đề ở đây là tăng cường vai trò của các cấp chính quyền trong vấn đề này như thế nào? Nếu giải quyết tốt vấn đề này, tôi tin tưởng rằng, chắc chắn rằng vấn đề nạo vét sẽ được giải quyết, khơi thông dòng chảy là tích cực”, ông Hòe bày tỏ.

Hiện, theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Trị, trên địa bàn toàn tỉnh có 133,42km bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Trong đó, có gần 27km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gần 73km sạt lở nguy hiểm. Tỉnh Quảng Trị đã phải bố trí khoảng 100 tỷ đồng từ các nguồn vốn để khắc phục tình trạng trên.

Công trình kè chống sạt lở bờ sông Thạch Hãn.
Công trình kè chống sạt lở bờ sông Thạch Hãn.

Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn luôn gây nhức nhối trong suốt thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Báo Kinh tế & Đô thị đã đưa nhiều thông tin phản ánh. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị về công tác quản lý, khai thác khoáng sản vẫn chưa được các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc. Điều đó, khiến tình trạng sạt lở bờ sông, đặc biệt ở dòng sông Thạch Hãn ngày càng nghiêm trọng hơn.