Cần tăng nặng mức xử lý vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh vấn đề làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực trong thi cử, TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường ĐH FPT đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, trong đó có đề xuất những biện pháp xử lý mạnh một cách rất cụ thể.

Thí sinh vi phạm - không được thi 3 - 5 năm

Thưa ông, trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ đều đưa ra quy định xử lý vi phạm. Ông đánh giá thế nào về mức độ xử lý vi phạm ở các kỳ thi này?

- Hiện, việc xử lý vi phạm quy chế thi còn ở mức độ quá nhẹ. Trong phòng thi, khi phát hiện thí sinh (TS) sử dụng tài liệu hoặc nhìn bài của người khác, biện pháp xử lý là đình chỉ thi, chưa chắc đã làm cho TS sợ vì năm sau vẫn có thể thi lại.

Vậy, biện pháp xử lý tiêu cực phải thế nào, thưa ông?

- Về nguyên tắc, biện pháp xử lý phải đủ sức răn đe mới có thể hạn chế được vi phạm. Bài học của Singapore về việc cấm hút thuốc lá là một ví dụ để chúng ta học hỏi: Trên tấm biển cấm hút thuốc lá ghi rõ số tiền bị phạt nếu vi phạm. Còn ở nước ta chỉ ghi "Cấm hút thuốc lá" nên vẫn có nhiều người vi phạm.

 
Một vụ vi phạm trong thi cử bị cơ quan chức năng phát hiện. (Ảnh minh họa)
Một vụ vi phạm trong thi cử bị cơ quan chức năng phát hiện. (Ảnh minh họa)

Theo ý kiến của ông, trong trường hợp TS và giám thị tiêu cực thì các mức hình phạt sẽ được cụ thể hóa ra sao?

- TS vi phạm quy chế bị phát hiện thì sẽ không được quyền đi học sau THPT trong 3 - 5 năm. Nghĩa là không được tham gia các kỳ thi khác, không được trường nào nhận vào học. Giám thị tiêu cực thì bị đuổi khỏi ngành. Một phòng thi có 2 giám thị, nếu một giám thị tiêu cực, người kia nhìn thấy nhưng không báo cáo với cấp trên cũng liên đới chịu trách nhiệm. Hoặc, trong phòng thi có vi phạm, giám thị không phát hiện được cũng bị hình phạt. Vì đây là kỳ thi cấp quốc gia nên không chấp nhận xảy ra tiêu cực. Cho nên, khi có tiêu cực, lãnh đạo địa phương (Bí thư, Chủ tịch, người đứng đầu ngành GD&ĐT) cũng bị liên đới chịu trách nhiệm bằng một trong số các hình thức (cắt thi đua cuối năm, không được tái bổ nhiệm, xem xét tư cách đảng viên). Tóm lại, bên cạnh những giải pháp mang tính kỹ thuật (tổ chức thi theo cụm, chấm chéo…) cần phải có quy định chặt, có hình thức xử phạt ở mức độ nặng, thậm chí, hình sự hóa để hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử.

Giám thị vi phạm - có thể chịu hình phạt tù

Theo ông, sẽ hình sự hóa ở vi phạm tiêu cực nào?

- Nếu giám thị vi phạm quy chế thi thì không được làm nghề giáo viên. Về mặt nguyên tắc là phạm tội hình sự có thể phải đi tù từ 3 - 5 năm.

Vi phạm quy chế thi bị tội hình sự liệu có nặng quá không, thưa ông?

- Nặng thì mới bớt được tiêu cực! Chúng ta phải xem xét tiêu cực ở mức độ nào có thể hình sự hóa. Bộ GD&ĐT nên có đề xuất nếu quá thẩm quyền. Hiện nay, khi chế tài xử phạt quá nhẹ so với mức độ vi phạm thì mọi người sẽ bình thường hóa tiêu cực. Với mục đích mang tính răn đe, nên trường ĐH FPT quy định, nếu sinh viên quay cóp tài liệu trong giờ làm bài kiểm tra sẽ bị 0 điểm và phải học lại, đóng 100% học phí thay vì mức 50% đối với trường hợp  không làm được bài bị 0 điểm.

Nhiều người cho rằng, để giám sát kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH, CĐ, nên lắp camera trong các phòng thi. Bộ GD&ĐT đang cân nhắc vì sẽ tốn rất nhiều tiền. Theo ông, có cần thiết lắp đặt hệ thống này?

- Camera là một giải pháp hỗ trợ cho việc hậu kiểm, khi cần thiết thì mở ra kiểm tra. Chi phí để lắp đặt camera không cao. Tùy theo tài chính, từng khu vực có thể lắp camera trong phòng thi. Hệ thống này không chỉ sử dụng trong kỳ thi quốc gia mà còn dùng trong kiểm tra môn học, thậm chí, khi cần sẽ giám sát hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh, sinh viên.

Xin cảm ơn ông!