Trưởng Phòng VHTT huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, theo quyết định của UBND TP, hết năm 2015 trên địa bàn huyện có 253 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.
Hiện UBND huyện đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư tu bổ, tôn tạo đối với 34 di tích xuống cấp, trong đó đến nay: Đã hoàn thành 2 dự án đầu tư tu bổ đình Kim Hồ, khu di tích quốc gia đặc biệt Phù Đổng (giai đoạn 2), đang triển khai 1 dự án đầu tư tu bổ tôn tạo đình, đã được phê duyệt đầu tư 3 dự án (dự kiến khởi công trong năm nay) và được phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án khác.
|
Đoàn giám sát Làm việc tại UBND huyện Gia Lâm |
Đáng chú ý, UBND huyện Gia Lâm đã phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác quản lý, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch tại huyện giai đoạn 2016 - 2020”, với tổng khái toán vốn thực hiện là 499.601 triệu đồng (từ vốn ngân sách và xã hội hóa (XHH).
Theo bà Hương, khó khăn nhất hiện nay với huyện trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích là các di tích trên địa bàn đều đã tồn tại lâu, chịu nhiều tác động của thời tiết mà không được tôn tạo thường xuyên, nên nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng.
Một số xã tập trung nhiều di tích nhưng có đời sống kinh tế khó khăn nên chưa thể thực hiện XHH trong trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn ngân sách còn hạn chế, việc huy động XHH thì khó khăn, nhất là các đình, đền...
Vì vậy, lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm đề xuất HĐND TP nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, khuyến khích cho những người trực tiếp trông coi di tích. Bên cạnh đó, UBND TP cần tạo điều kiện đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn, nhất là những di tích huyện đã đề nghị đưa vào kế hoạch bảo tồn, chống xuống cấp, phát huy giá trị di tích kết hợp phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020 của TP, gồm: Đình Trân Tảo, đình Công Đình, đền thờ Quận công Nguyễn Đình Huấn, đình - đền Kiêu Kỵ, chùa Nành.
Đặc biệt, TP cần tạo cơ chế thuận lợi về thủ tục cho các di tích có mức độ xuống cấp nặng, trong đó, rất khó để có thể cam kết đủ nguồn vốn đối với các di tích thực hiện bằng vốn XXH như quy định hiện hành. Ngoài ra, huyện cũng mong UBND TP thực hiện hiệu quả đề án “Bảo tồn không gian Lễ hội Gióng tại huyện Gia Lâm, Sóc Sơn” đã được phê duyệt.
Ghi nhận nỗ lực trong tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa tại huyện Gia Lâm, trong đó đã phê duyệt hẳn một đề án về tăng cường công tác này giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí gần 500 tỷ đồng, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương cũng chia sẻ với khó khăn của địa phương, như: Nguồn vốn tu bổ cho di tích rất eo hẹp, thủ tục xin phép còn rườm rà, kéo dài...
Đồng thời, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đề nghị huyện tăng cường quản lý đồ thờ tự, đẩy mạnh XHH vận động quyên góp, khẩn trương cùng các sở ngành làm hồ sơ đề nghị công nhận cho các di tích còn lại, kiện toàn các BQL di tích, quan tâm bồi dưỡng chế độ, tập huấn cho những người trông nom di tích, tăng tuyên truyền cho người dân về bảo vệ di tích, nhất là chủ động chống sập cho những di tích xuống cấp nghiêm trọng.