Là một chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước, ông đánh giá thế nào về năng lực tiêu thoát nước, chống ngập úng tại Thủ đô hiện nay?
- Trong những năm vừa qua, Thủ đô Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực đầu tư vào hệ thống thoát nước đô thị. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng hạ tầng thoát nước cùng với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác dự báo và lên kế hoạch ứng phó chủ động khi có mưa đã cải thiện đáng kể năng lực tiêu thoát nước ở Thủ đô Hà Nội.
Nhờ đó, thời gian và độ sâu ngập tại 11 điểm thường xuyên ngập đã giảm. Tuy nhiên, khi xuất hiện các trận mưa thời đoạn ngắn vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước, úng ngập nghiêm trọng đã xảy ra tại nhiều vị trí của khu vực nội đô.
Điển hình là tình trạng ngập lụt xảy ra trên nhiều tuyến phố của Thủ đô vào chiều ngày 31/7/2023 với lượng mưa đo được là 228,3mm đã gây thiệt hại về tài sản và khó khăn trong sinh hoạt của người dân Thủ đô.
Sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của các trận mưa cực đoan, sự gia tăng bề mặt không thấm do quá trình đô thị hóa đã làm cho ngập lụt ở Thủ đô có xu hướng thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Đánh giá năng lực hiện trạng của hệ thống thoát nước là đánh giá khả năng làm việc của các tuyến cống nhánh, các tuyến cống lưu vực, các tuyến cống chính, các trục thoát nước chính, hồ điều hòa, trạm bơm khi xảy ra các trận mưa ứng với các tần suất thiết kế của chúng.
Công việc này đòi hỏi phải có khảo sát chi tiết hiện trạng hệ thống, so sánh mức độ ngập lụt tại các vị trí khi xảy ra các trận mưa (tương đương với các trận mưa thiết kế) với mức độ ngập theo thiết kế.
Vậy phải chăng tình trạng ngập úng tại Thủ đô đều là lỗi do thời tiết, thưa ông?
- Đầu tiên phải khẳng định, đây là câu trả lời đúng nhưng chưa đủ, chưa phản ánh hết được vấn đề tồn tại của hệ thống thoát nước ở Thủ đô. Bởi, Hà Nội hiện đang triển khai Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 725/TTg ngày 10/5/ 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định 725, tại khu vực nội thành giới hạn từ khu vực sông Hồng đến đường Vành đai 4, đến năm 2030, hệ thống các trạm bơm tiêu thoát nước phải đạt công suất trung bình 503m3/s.
Song từ năm 2013 đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, Hà Nội mới xây dựng được một số trạm bơm có công suất đạt 234m3/s, bằng 47% so với công suất thiết kế theo quy hoạch. Tương tự như vậy, việc cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến thu gom nước mưa cũng được triển khai với tiến độ chậm so với yêu cầu của Quy hoạch 725.
Có thể nói, việc chậm trễ trong triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng thoát nước theo QĐ 725 là một nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng ngày càng diễn ra phức tạp. Do đó, để xảy tình trạng ngập úng như hiện nay, lỗi không đơn thuần là của thời tiết.
Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức chia nhỏ các gói thầu thoát nước khiến hệ thống thoát nước bị chia nhỏ dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, ông đánh gía thế nào về nhận định trên?
- Việc chia nhỏ, đấu thầu công tác vận hành hệ thống thoát nước để nhiều đơn vị tham gia quản lý vận hành hệ thống thoát nước sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế kỹ thuật của công tác quản lý vận hành hệ thống thoát nước.
Tuy nhiên, nên phân cấp quản lý hệ thống thoát nước theo lưu vực thay vì phân cấp theo địa giới hành chính như đang làm hiện nay. Cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các quy định và có sự kiểm tra, giám sát để bảo đảm các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước ở các lưu vực có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.
Vậy theo ông, để khắc phục tình trạng ngập úng tại Thủ đô, Hà Nội cần phải làm gì?.
- Nhằm nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước, theo quản điểm của tôi, Hà Nội sẽ có 4 nhiệm vụ cần phải thực hiện.
Thứ nhất, rà soát lại Quy hoạch 725 để theo kịp quy hoạch đô thị, biến đổi khí hậu, cập nhật những thành tựu của cách mạng công nghê lần thứ tư trong quản lý vận hành hệ thống thoát nước.
Thứ hai, các đơn vị chức năng phải thực hiện quy hoạch một cách nghiêm túc, dành nguồn lực cho việc phát triển hệ thống thoát nước.
Thứ ba, triển khai áp dụng mô hình quản lý tổng hợp rủi ro ngập lụt để giảm thiểu đến mức tối thiểu thiệt hại khi xảy ra các trận mưa trong và vượt tần suất thiết kế.
Thứ 4, thí điểm áp dụng giải pháp thoát nước bền vững cho các khu đô thị mới, cho các khu đô thị hiện hữu để vừa giảm ngập lụt, vừa cải thiện chất lượng nước.
Trong những biện pháp trên, đâu là những biện pháp Hà Nội cần phải thực hiện ngay để giảm thiểu tình trạng ngập úng?
- Theo quan điểm của cá nhân, trước mắt cùng với việc dành nguồn lực xây dựng hạ tầng hệ thống thoát nước, Hà Nội cần ưu tiên việc xây dựng nền tảng số cảnh báo sớm ngập lụt để cảnh báo cho người dân những khu vực bị ngập úng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thoát nước, đặc biệt là các tuyến ngầm để kịp thời khắc phục sửa chữa những hư hỏng trên hệ thống mà con người khó tiếp cận, xử lý được.
Ngoài ra, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần xây dựng Luật quản lý nước mưa. Cụ thể, khi có các hoạt động làm thay đổi mục đích sử dụng đất thì chủ đầu tư phải có giải pháp để không làm tăng lưu lương nước mưa chảy ra hệ thống thoát nước. Chủ đầu tư muốn xây dựng chung cư, khu đô thị phải có giấy phép thoát nước mưa… và coi đây là điều kiện kiên quyết, bắt buộc.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tập trung chăm lo cho việc đào tạo nguồn nhân lực thoát nước chất lượng cao. Đây sẽ là tiền đề cho công tác lập quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý hệ thống thoát nước bảo đảm chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của thực tiễn.
Xin cảm ơn ông!