Cần thẩm định hồ sơ chặt chẽ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc thực hiện Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng 6 tháng đầu năm 2016 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Giải quyết hơn 8 ngàn tỷ đồng

Theo thống kê của Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước và qua báo cáo của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, hiện đã có 47/63 Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký Quy chế phối hợp với Chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước; 8 đơn vị dự kiến ký trong thời gian tới; 8 Cục Thi hành án dân sự và chi nhánh Ngân hàng chưa ký Quy chế phối hợp.

6 tháng năm 2016, số việc đã thi hành xong cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là 1.239 việc (chiếm 7,54 % trên tổng số việc tín dụng ngân hàng), tăng  508 việc (69,49% ) so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với số tiền hơn 8.120 tỷđồng (13,44% trên tổng số tiền tín dụng ngân hàng), tăng hơn 2.477 tỷ đồng (43,9%) so với cùng kỳ năm 2015.
Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự,
Lễ ký kết quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự
Như vậy, kết quả thi hành án xong về án tín dụng, ngân hàng 6 tháng năm 2016 đã tăng trên 41% số việc và tăng trên 30% số tiền so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 thi hành xong 731 việc (đạt 5.07% trên tổng số việc) tương ứng với số tiền hơn 5.642 tỷ đồng (11.5% trên tổng số tiền phải thi hành)). 

Một trong những nguyên nhân đạt được kết quả nêu trên theo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) là do việc ký kết Quy chế phối hợp giữa hai ngành đã tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, từ Tổng cục đến các cơ quan thi hành án dân sự đã nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm tổ chức thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng; tích cực, chủ động, quyết liệt hơn trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án; các tổ chức tín dụng cũng chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án dân sự, cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan trong thi hành án và giải quyết vướng mắc trong việc thi hành án.

Trong năm 2016, thị trường bất động sản đang “ấm dần” nhưng bất động sản liên quan đến thi hành án dân sự vẫn còn trầm lắng. Trong bối cảnh đó, cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước đã nỗ lực phấn đấu để kết quả thi hành án liên quan đến bất động sản trong các bản án tín dụng ngân hàng thi hành xong tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Tuy kết quả thi hành án dân sự trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2015  nhưng theo Tổng cục Thi hành án dân sự “so với yêu cầu thì chưa đáp ứng; tỷ lệ thi hành án xong còn thấp, số việc, tiền phải thi hành án còn lớn; tiến độ thi hành án còn kéo dài, chậm trễ”. Khó khăn lớn nhất là số vụ việc và số tiền còn phải thi hành lớn gồm 16.433 việc, tương ứng với số tiền là hơn 60.399 tỷ đồng.

Toàn quốc số việc còn tồn đọng chưa thi hành là 15.194 việc; số tiền là hơn 52.283 tỷ đồng. Một số địa phương có số tiền phải thi hành liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai , Long An, Cần Thơ, Hải Phòng.

Bản án phải đảm bảo tính khả thi

Thời gian tới, Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác phối hợp và nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức phối hợp cho hiệu quả giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp, các đơn vị liên quan thuộc hai Bộ, nhất là các cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng;  Phối hợp tìm giải pháp về thể chế, cơ chế để xử lý tài sản trong thi hành án dân sự liên quan đến tổ chức tín dụng từ khâu cho vay, xét xử đến thi hành án.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi lập hồ sơ cho vay vốn cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần; trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi (nhất là đối với các loại việc công nhận hòa giải thành).

Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng nhà nước các Chi nhánh ở địa phương tiến hành kiểm tra thực hiện Quy chế phối hợp, rà soát tình hình thi hành án cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn; từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, chuẩn bị cho việc sơ kết, tổng kết hàng năm theo Quy chế; đề nghị Vụ Pháp chế tham mưu Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng cục Thi hành án dân sự để giải quyết các vụ việc có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thụ lý vụ án, xét xử và tổ chức thi hành án dân sự liên quan đến việc xử lý nợ xấu.

Ban chỉ đạo thi hành án các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động tổ chức cưỡng chế thi hành án, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn liên quan đến nhà đất,  giải quyết các vụ việc liên quan đến án tín dụng ngân hàng có tính chất phức tạp, kéo dài, những việc có điều kiện thi hành nhưng người phải thi hành án chống đối để làm điểm, tăng cường hiệu quả công tác xử lý nợ xấu.

Kinh tế đô thị cuối tuần