Cẩn thận kẻo rối loạn tâm thần

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ 2 - 4/6 tới, sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Ngay sau đó sẽ liên tiếp các kỳ thi đại học, cao đẳng.

Từ những mùa thi trước, nhiều học sinh vì quá miệt mài ôn luyện, lo âu, căng thẳng dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm lý. Thậm chí có học sinh mắc bệnh tâm thần và tự tử trước và sau kỳ thi.

Nhiều học sinh bị rối loạn tâm lý

Theo số liệu của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, năm nào vào mùa thi, mỗi tháng BV lại tiếp nhận trên dưới 20 học sinh có những biểu hiện rối loạn tâm lý, tâm thần (RLTT)), trong đó đa số các em ở độ tuổi vị thành niên (10 - 15 tuổi).

Có mặt tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, chúng tôi chứng kiến trường hợp em Trần Thị Thanh T. (18 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) bị rối loạn tâm thần. Được điều trị hơn một tuần nhưng em vẫn có những biểu hiện hoảng loạn, lúc khóc, lúc cười vô định. Mẹ của em kể: Sau buổi đi học ôn về, bỗng dưng em cởi quần, cởi áo, vỗ ngực tự hào rằng, mình đã đỗ đạt, không phải thi nữa, nói xong, T. nhảy múa loạn xạ và đòi đi hát karaoke để "khao". "Thấy vậy, tôi biết ngay là thần kinh cháu có vấn đề nên đưa con đến BV để điều trị", mẹ của T. cho biết. Nói rồi, mẹ em trách chồng: "Cũng tại chồng tôi một phần, lúc nào cũng tạo tâm lý, bắt con phải học hành, đỗ đạt, bắt ôn hết thầy nọ đến thầy kia, học ngày học đêm mới sinh bệnh như thế".

Còn em Trần Văn Trung, 19 tuổi, quê Hải Dương, năm ngoái thi trượt đại học, năm nay cha mẹ tiếp tục bắt con thi trường ĐH Thủy lợi. Mặc dù được mẹ chăm chút trong vấn đề sức khỏe như cho em ăn đủ loại thực phẩm bổ dưỡng. Ngoài ra, mẹ em còn mua các loại thuốc bổ và thực phẩm chức năng về "nhồi nhét" với mong muốn, con có đủ sức khỏe để thi tốt. Thế nhưng, đến gần kỳ thi, Trung bắt đầu hoảng loạn mỗi khi nhìn thấy sách vở. "Có lần đang xem ti vi, thấy chương trình đưa hình ảnh học sinh luyện thi, lập tức nó la mắng, rồi mang hết sách vở vứt ra đường" - bà Thu Nga mẹ Trung cho biết.

Ăn và học phải khoa học, hợp lý

Theo bác sĩ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa Lâm sàng của BV Mai Hương, để tránh tình trạng học sinh bị RLTT, bố mẹ nên quan tâm đến việc học hành của con cái, khuyên con bố trí thời gian hợp lý, khoa học cả về ăn và học. Tuyệt đối không nên tạo áp lực cao quá so với năng lực của các em. Thực tế, tại BV đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị RLTT vì cha mẹ ép con học quá sức.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Trung tâm tư vấn Đầu tư và Phát triển con người khuyến cáo, cha mẹ không nên nôn nóng buộc trẻ phải đạt được ngay những điều mà người lớn mong muốn, vì như vậy sẽ làm các em bị căng thẳng, dễ sinh bệnh. Thực tế, Trung tâm đã tư vấn cho nhiều người có con thi đại học cũng như nhiều em học sinh có những biểu hiện lo lắng thái quá trong mỗi kỳ thi. Cũng theo chị Nga, trước kỳ thi, các em cần ăn, uống, tập thể dục điều độ, không nên thức quá khuya để học bài.

Về vấn đề dinh dưỡng hợp lý, PGS TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, quá trình ôn tập cho đến lúc đi thi, các em nên chú ý đến việc đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Nên ăn thực phẩm có chất đạm, béo, bột, vitamin, muối khoáng. Những chất này có trong các món ăn như trứng, tôm, cua, đậu đỗ, dầu, mỡ, bơ, vừng, lạc, rau xanh, hoa quả chín. Nếu có điều kiện, các em cũng nên uống từ 1 - 2 cốc sữa/ngày (hoặc ăn sữa chua). Tuy nhiên, việc uống quá nhiều sữa (4 - 5 cốc sữa/ngày) không thực sự tốt. Dù quá trình ôn thi, thời gian quý như vàng, nhưng các em cố gắng đảm bảo cho giấc ngủ tối thiểu phải 6 tiếng/ngày và ngủ trưa trong vòng 1 tiếng để giúp các bộ phận của cơ thể, cũng như tế bào não được nghỉ ngơi, phục hồi chức năng.

 

"Xã hội phát triển, đối tượng đến điều trị rối loạn tâm thần càng bị trẻ hóa. Mỗi dịp hè, bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 10 bệnh nhân là học sinh bị các chứng bệnh liên quan đến RLTT. Nguyên nhân khiến các em bị bệnh là do học hành quá sức, sinh hoạt mất cân đối, ít lao động chân tay dẫn đến cơ thể bị suy nhược".

Bác sĩ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa lâm sàng BV Mai Hương.