“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”
Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, hàng loạt sàn môi giới đã ra đời nhằm đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những sàn giao dịch uy tín, cũng có không ít công ty, nhân viên môi giới “điếc không sợ súng” vì một chút lợi ích mà nhắm mắt làm liều, tư vấn sai thông tin… để trục lợi.
Một trong những chiêu thức quen thuộc là môi giới sẽ cam kết với khách hàng chỉ cần đặt cọc, thì 2 tuần sau đã có lãi. Khi khách hàng đặt cọc, khoảng hơn 1 tuần sau, môi giới sẽ thông báo với khách là có người muốn mua lại lô đất đó với giá chênh lệch 20 triệu đồng (thực chất đây là số tiền môi giới tự bỏ ra).
Sau khi khách hàng bán có lời, môi giới sẽ dụ khách mua thêm vài nền đất nữa và giá đất lúc này cũng được đẩy lên cao hơn. Môi giới sẽ vào luôn hợp đồng và yêu cầu khách thanh toán. Nhưng sau khi khách đã ký hợp đồng và thanh toán đủ theo hợp đồng thì môi giới sẽ “phủi tay”, lời lỗ khách tự chịu.
Quá trình mua bán nhà đất đòi hỏi phải am hiểu các kiến thức về định giá, thủ tục, giấy tờ… hoàn toàn không đơn giản. |
Một chiêu bẫy khách hàng khác mà nhiều môi giới đang thực hiện đó là dẫn khách hàng tới coi dự án, khi khách này đang coi, thì một người khác (quân xanh của môi giới) cũng tới hỏi đất dự án này. Sau khi xem xét một vòng quanh dự án, khách hàng quân xanh này quyết định mua lô đất được môi giới giới thiệu là lô đất cuối cùng của dự án.
Trong trường hợp khách hàng thứ nhất vẫn phân vân, thì sẽ có khách hàng thứ ba (cũng là quân xanh của môi giới) đến và cầm tiền đặt cọc ngay nền đất này. Lúc này khách hàng thứ nhất nếu không vững lòng tin, sẽ rất dễ sập bẫy của môi giới, xuống tiền đặt cọc mua đất với giá cao.
Cuối năm 2017, thị trường bất động sản nóng hơn bao giờ hết với thông tin Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba mạo nhận chủ đầu tư để rao bán đất nền tại Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.
Theo đó, dù chưa được chấp thuận là chủ đầu tư, nhưng công ty này vẫn ngang nhiên chào bán, nhận đặt cọc giữ chỗ tại dự án này.Sự việc chỉ vỡ lở ra, khi Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản cảnh báo về hành vi sai trái của công ty này. Sau đó, nhiều cơ quan chức năng cũng lên tiếng cảnh báo, xử phạt về hoạt động của Công ty Alibaba.
Mạo danh chính quyền, chủ đầu tư uy tín
Một chiêu bài mới được các đơn vị môi giới “bẩn” sử dụng trong thời gian gần đây, đó chính là mạo danh chính quyền và các chủ đầu tư uy tín để “dụ” khách hàng.
Chia sẻ với PV Báo Kinh tế & Đô thị, anh Nguyễn Thanh Huy (quận 3) cho biết, trước đây, anh đọc được thông tin trên mạng về một dự án tại huyện Củ Chi có mức giá chỉ 5 triệu đồng/m2 và cam kết có sổ hồng ngay khi mua đất.
Trong phần giới thiệu về dự án, nhân viên môi giới đã mạo danh UBND huyện Củ Chi khi thông báo: “Nhằm phát triển quỹ đất huyện Củ Chi, hiện nay, UBND huyện đang công bố mở bán 50 nền 5x18, 5x20 ngay mặt tiền Quốc lộ 22 để phục vụ cho người dân và nhà đầu tư với giá 5 triệu đồng/m2.
Để đảm bảo cho thị trường mua bán diễn ra ổn định, UBND huyện liên kết, bàn giao chủ đầu tư Cát Tường Sài Gòn chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm, với nhiều chương trình ưu đãi như chiết khấu 5%/hợp đồng, phiếu bốc thăm trúng xe SH, máy lạnh, ti vi, điện thoại…”.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, anh Huy phát hiện ra trên thị trường không có chủ đầu tư nào có tên Cát Tường Sài Gòn (mà chỉ có Công ty Cát Tường). UBND huyện Củ Chi cũng không liên kết với bất cứ doanh nghiệp nào để bán đất.
Người mua nhà, đất cần cẩn trọng tránh bị sập bẫy của môi giới. (Ảnh minh hoạ) |
Trước đó, Him Lam Land cũng trở thành “nạn nhân” của một vụ mạo danh thương hiệu để bán đất nền khi nhiều nhân viên môi giới giới thiệu về dự án Him Lam 2 được cho là của công ty này.
Theo một nhân viên môi giới tên K, dự án có tên Him Lam 2 này nằm gần trường Đại học RMIT trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) với giá bán 15 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đại diện Him Lam Land khi đó cho biết, công ty không hề có dự án nào mang tên Him Lam 2 tại khu vực đường Nguyễn Văn Linh giao cắt với quốc lộ 50. Đây rõ ràng là hành vi “mạo danh” thương hiệu công ty để làm bậy.