Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thêm những cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển

Hà Minh. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong những đề xuất của Hà Nội được đại diện các bộ, ngành T.Ư bày tỏ sự nhất trí cao tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 – 2020” và 5 năm thực hiện Luật Thủ đô được tổ chức sáng nay, 3/4.

Theo dự thảo báo cáo, trong 5 năm qua, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá, tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 7,57%/năm, vượt khoảng 2,56% so với mức tăng bình quân chung cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2011. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội đều có bước phát triển khá toàn diện.
 Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hải
Bên cạnh những kết quả đó, TP cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô. Đó là kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải, bất cập, gây bức xúc; công tác quy hoạch, quản lý, xây dựng và phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu…

Một số nội dung quan trọng trong Luật Thủ đô quy định chi tiết chưa được ban hành, nhất là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch kiến trúc đối với cải tạo, tái thiết đô thị tại 4 quận nội đô cũ. Bên cạnh đó, việc còn thiếu cơ chế đặc thù của chính quyền đô thị của các huyện, thị xã nằm trong quy hoạch xây dựng 5 đô thị vệ tinh; việc cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ, nhà xuống cấp còn chậm; tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp trong khi tốc độ tăng dân số cơ học nhanh… nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TP.

Để Hà Nội hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và thực hiện tốt vai trò là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế, TP kiến nghị Bộ Chính trị, các cơ quan T.Ư 4 nhóm nội dung quan trọng.

Theo đó, TP đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn trên địa bàn như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trường ĐH Quốc gia, đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, mở rộng và nâng cấp cụm cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các dự án di dời các cơ quan đơn vị của T.Ư theo quy hoạch, các tuyến đường sắt đô thị, một số tuyến đường vành đai… TP cũng đề nghị có cơ chế đặc thù trong các quy hoạch chung đô thị vệ tinh, phân cấp đầu tư, cải tạo chung cư cũ, phát triển nhà ở xã hội… Đối với Luật Thủ đô, Hà Nội đề xuất được nâng mức dư nợ vay, ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy hoạch, kiến trúc tại 4 quận nội thành, thực hiện lộ trình di dời các cơ sở, cơ quan, đơn vị ra khỏi khu vực nội thành. Cùng với đó, TP đề nghị T.Ư cho phép thí điểm xây dựng đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị cho phù hợp thực tiễn.
 Quang cảnh hội nghị 
Tại hội nghị, các ý kiến đều bày tỏ sự thống nhất với đánh giá thẳng thắn của Thành ủy đối với kết quả cũng như những hạn chế, vướng mắc và đề xuất của TP đối với T.Ư để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị TP cần đánh giá sâu hơn về công tác quy hoạch, quản lý đô thị cũng như nguyên nhân của các hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan; điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 11 cho phù hợp với tình hình. Đối với Luật Thủ đô, các đại biểu thống nhất việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều, tạo điều kiện cho việc thực hiện hiệu quả hơn.

Thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trân trọng cảm ơn, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành T.Ư và cho rằng đây là những căn cứ quan trọng để không chỉ bổ sung, cơ cấu, hoàn thiện báo cáo, mà còn giúp TP đưa ra các mục tiêu, giải pháp phát triển phù hợp trong thời gian tới.